Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo

Cập nhật 06/10/2020, 08:10:47

Với đặc thù là huyện biên giới nên đời sống của hội viên, phụ nữ nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc huyện Ia Grai còn nhiều khó khăn. Nhằm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo, thời gian qua Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ia Grai đã chủ động khai thác nhiều chương trình, nguồn lực để hỗ trợ giúp các hội viên vươn lên thoát nghèo. Phóng sự được thực hiện tại xã Ia Krái, một trong những địa phương triển khai hiệu quả chương trình này.

       

Là hộ nghèo, chồng lại đau ốm nên những năm qua mọi gánh nặng gia đình đều đôi vai của chị Rơ Chăm Hyăk ở làng Bi Ia Yom, xã Ia Krái, huyện Ia Grai. Cuộc sống khó khăn nên mãi mà gia đình chị cũng không xây được căn nhà đàng hoàng. Hiểu được hoàn cảnh gia đình chị nên đầu năm nay, từ nguồn hỗ trợ của Hội LHPN huyện Ia Grai và các mạnh thường quân, Hội LHPN xã Ia Krái đã vận động thêm các nguồn hỗ trợ khác xây dựng cho gia đình chị căn nhà mới khang trang. Có nhà ở ổn định chị Hyăk mạnh dạn vay thêm nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo của Ngân hàng CSXH để đầu tư cho vườn cà phê 1ha của gia đình với mong muốn sẽ thoát nghèo trong năm nay.

Chị Rơ Chăm Hyăk, làng Bi Ia Yom, xã Ia Krái, huyện Ia Grai nói: “Bên hội phụ nữ đã hỗ trợ cho vay vốn, hỗ trợ tiền cho 2 vợ chồng xây nhà. Có nhà, có nơi ở ổn định rồi vợ chồng mình cố gắng làm rẫy trả tiền, cố gắng làm ăn để thoát nghèo”.

Chị Siu Sen – Chi hội trưởng Chi hội PN làng Bi Ia Yom, xã Ia Krái, huyện Ia Grai cho biết: “Trong làng so với những năm trước thì vẫn còn nhiều phụ nữ nghèo, nhưng mấy năm nay nhờ nguồn vốn vay bên phụ nữ, lá lành đùm lá rách thì cũng hỗ trợ thêm. Như hộ của anh chị Rơ Chăm Hyắc, trước kia nhà anh chị rất khó khăn, nhưng hiện tại bên hội phụ nữ xã, huyện đã hỗ trợ ít vốn để gia đình xây nhà, riêng bản thân tôi cho mượn đất để trồng lúa để có thêm nguồn thu, giờ vợ chồng chị cố gắng thoát nghèo”.

Với trên 1.100 hội viên đang sinh hoạt tại 15 chi hội, trong đó số hội viên là người DTTS chiếm khá đông, đời sống còn nhiều khó khăn, vẫn còn trên 150 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Chính vì vậy, bên cạnh thực hiện tốt các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội đối với đồng bào DTTS, Hội phụ nữ xã Ia Krái luôn quan tâm hỗ trợ phụ nữ DTTS thoát nghèo bền vững bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vệ sinh môi trường… từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng CSXH được triển khai hiệu quả với tổng dư nợ  trên 14,3 tỷ đồng.

Chị Siu Jeng, làng Doch Tung, xã Ia Krái, huyện Ia Grai cũng cho biết: “Trong những năm qua bản thân tôi cũng là gia đình hộ nghèo, bây giờ gia đình cố gắng làm ăn phát triển kinh tế. Năm nay gia đình đã thoát nghèo và là gia đình cận nghèo. Trong năm vừa qua gia đình cố gắng làm ăn để khấm khá hơn để nuôi sống bản thân và gia đình”.

Chị Rơ Mah Blich – Phó Chủ tịch Hội LHPN, xã Ia Krái, huyện Ia Grai nhận xét: “Trên địa bàn xã thì tình hình hội viên phụ nữ nghèo vẫn còn nhiều, cho nên hội cũng tạo điều kiện cho chị em vay vốn bằng cách vay vốn qua kênh Ngân hàng chính sách xã hội, hỗ trợ cây giống, để chị em có vốn sản xuất để thoát nghèo bền vững.  Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên Hội phụ nữ giảm. Nhờ hỗ trợ của Hội phụ nữ chị em bây giờ đã biết vận dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, phát triển kinh tế để thoát nghèo”.

Có thể thấy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động của hội phụ nữ các cấp đã giúp nhận thức của hội viên phụ nữ DTTS dần thay đổi. Nhiều phụ nữ DTTS trên địa bàn huyện Ia Grai nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung đã mạnh dạn bắt tay vào đầu tư, phát triển các mô hình kinh tế mới trên cơ sở sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, cây con giống từ các chương trình để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững./.

Lê Thư, Huy Toàn


Lượt xem: 59

Trả lời