Hiệu quả từ thực hiện Chỉ thị số 12

Cập nhật 20/11/2019, 07:11:56

Với sự nỗ lực của các hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, việc thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 13/2/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh” đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh. Nhân Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010-2020 được tỉnh  UBND tỉnh tổ chức vào ngày 21/11, phóng sự của phóng viên Đài PT-TH Gia Lai nhìn lại những hiệu quả đặc biệt rõ nét trong thực hiện Chỉ thị 12, như một điểm nhấn trên chặng đường xây dựng nông thôn mới 10 năm qua.

                     

Sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã góp phần làm thay đổi căn bản và toàn diện ở khu vực nông thôn, nhất là vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh. Như tại 4 làng: Pông, Hek, Trớ, Kinh Pênh thuộc vùng căn cứ cách mạng xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện việc quy hoạch bố trí sắp xếp lại dân cư, di dời nhà cửa của người dân đến nơi quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đã được triển khai một cách bài bản và đồng bộ nên mang diện mạo mới. Nhân dân rất phấn khởi vì từ đây cuộc sống của bà con đã lật sang trang mới.

Chị Rơ Mah H’Em, Làng Pông, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai nói: “Trước đây dân làng nghèo khổ lắm, giờ được tỉnh và huyện quan tâm xây dựng làng nông thôn mới, bà con được sắp xếp lại nhà cửa, ổn định chỗ ở, làm ăn thuận lợi hơn. Bà con rất phấn khởi”.

Gia Lai đã đầu tư hơn 70,5 tỷ đồng, cùng với sự đóng góp của nhân dân về ngày công, kinh phí, hiến đất để thực hiện xây dựng làng nông thôn mới trong vùng dân tộc thiểu số. Đến cuối năm 2018, có 14 làng đạt chuẩn làng nông thôn mới, kế hoạch năm 2019 tỉnh phấn đấu có thêm 69 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Đỗ Ngọc Thành – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Thiện, Gia Lai cho biết: “Kinh nghiệm của Phú Thiện trong việc triển khai xây dựng làng nông thôn mới là phải phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy các cấp. Cán bộ, đảng viên phải sâu sát cơ sở để động viên, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng làng nông thôn mới”.

Việc triển khai xây dựng làng nông thôn mới có sự đóng góp rất lớn của các đơn vị quân đội như Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai, Quân đoàn 3, nhất là trong công tác di dời nhà cửa của nhân dân đến nơi quy hoạch mới và trong việc triển khai xây dựng một số công trình như đường giao thông…

Đại úy Lê Tiến Vui, Phó Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn Thông tin 29, Bộ Tham mưu, Quân đoàn 3 trao đổi: “Thực hiện kế hoạch của Thủ trưởng Bộ Tham mưu Quân đoàn 3 là giúp dân làng Trớ, xã Chư A Thai xây dựng làng nông thôn mới, đơn vị tập trung làm tốt công tác dân vận, phân công từng tổ cùng với nhân dân di dời nhà cửa đến vị trí mới; sau đó giúp dân ổn định chỗ ở, làm ăn. Đơn vị triển khai phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao giao lưu với nhân dân tạo không khí vui vẻ phấn khởi”.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Dưới sự chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện Ia Pa đã huy động nhiều nguồn lực và phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và nhân dân để cùng xây dựng làng nông thôn mới. Đến nay, huyện đã hoàn thành kế hoạch xây dựng làng điểm nông thôn mới tại làng Bi Giông, xã Pờ Tó”.

Xây dựng làng nông thôn mới theo tinh thần Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là nét mới của tỉnh trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ đây đã tạo những“điểm tựa” vững chắc, làm thay đổi một cách căn bản trên nhiều mặt ở các vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh./.

Hà Đức, R’Piên


Lượt xem: 58

Trả lời