Hiệu quả từ mô hình phòng chống bạo lực gia đình tại cộng đồng

Cập nhật 08/12/2016, 08:12:33

Bạo lực gia đình là một vấn đề những nhối của xã hội, nó không những để lại nỗi đau về thể chất, tinh thần, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em mà còn để lại những hệ lụy đáng buồn cho xã hội.

 Vì vậy, thời gian qua công tác phòng chống bạo lực gia đình đã được các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương hết sức quan tâm. Trong đó mô hình cộng đồng cùng chung tay đẩy lùi bạo lực gia đình đang được thực hiện hiệu quả tại nhiều địa phương trong tỉnh. Phóng sự ghi nhận hiệu quả mô hình này tại xã Ia Băng, huyện Chư Prông.

8-12-hieuqua

Hơn 3 năm qua, các cán bộ mặt trận, phụ nữ, dân quân, thanh niên và thôn trưởng thôn Phú Vinh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông đã cùng tham gia xây dựng mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” trên địa bàn thôn. Đây là mô hình nhằm hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ có chỗ dựa, chỗ lánh nạn khi bị bạo hành, đồng thời làm công tác tuyên truyền, hòa giải, phòng chống bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn.

Nhờ có sự gần gũi, theo dõi thường xuyên, sát sao cuộc sống của các gia đình trên địa bàn nên thời gian qua các thành viên trong “địa chỉ tin cậy” đã kịp thời phát hiện nhiều trường hợp gia đình xảy ra tình trạng vợ chồng mâu thuẫn, bạo lực, đe dọa đến hạnh phúc gia đình. Từ đó, sớm có những giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ, hòa giải, không để hậu quả đáng tiếc xảy ra..

Chị Nguyễn Thị Sen – Chi hội trưởng phụ nữ thôn Phú Thanh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông, Gia Lai cho biết: “Mô hình địa chỉ tin cậy này chủ yếu là để làm công tác tuyên truyền, vận động phòng chống bạo lực gia đình ở trong thôn. Nói chung chỉ cần phát hiện ra dấu hiệu có vấn đề ở các gia đình là mình làm công tác tuyên truyền ngay, chứ không chờ đợi đến lúc xảy ra bạo lực rồi mình mới nhảy vào can thiệp”.

Với phương châm “Phòng ngừa, ngăn chặn là chính”, các thành viên của “địa chỉ tin cậy” đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đến từng gia đình, nắm bắt những vướng mắc, khó khăn của các gia đình để có phương án giúp đỡ, giải quyết. Đồng thời, động viên các cặp vợ chồng chung sống hòa thuận, chăm chỉ làm ăn, nuôi dạy con cái… Nhờ đó, trong nhiều năm qua, trên địa bàn thôn không xảy ra trường hợp bạo lực gia đình nào, đời sống kinh tế của nhân dân cũng từ đó ngày một phát triển.

Ông Trần Phú Thanh – Trưởng thôn Phú Thanh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông, Gia Lai cho biết: “Những năm gần đây, đời sống của người dân trong thôn phát triển khá tốt, kinh tế cũng ổn định. Nhất là các gia đình đều chung sống hòa thuận, vui vẻ, không có mâu thuẫn, bạo lực. Người dân đã có ý thức cao trong việc chấp hành pháp luật, nhất là pháp luật về hôn nhân, gia đình”.

Chị Trương Thị Thu Thúy – Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Băng, huyện Chư Prông, Gia Lai đánh giá: “Mô hình đã giúp cho Hội LHPN tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phụ nữ trên địa bàn khá hiệu quả. Các  thành viên tham gia rất nhiệt tình”.

Từ một vài mô hình “Địa chỉ tin cậy” ban đầu, đến nay, trên địa bàn xã Ia Băng, huyện Chư Prông đã thành lập được 7 mô hình tại các thôn, làng, khu dân cư. Phụ nữ trong toàn xã được giới thiệu chi tiết về các địa chỉ này qua các buổi họp chi, tổ hội để có thể yêu cầu trợ giúp khi cần thiết.

Với sự hoạt động thường xuyên, tích cực, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại cơ sở, mô hình phòng chống bạo lực gia đình tại cộng đồng là một mô hình cần được nhân rộng, để kịp thời đại diện, bênh vực cho nhiều trường hợp trẻ em, phụ nữ, đối tượng yếu thế bị bạo hành, xâm hại. Đồng thời tư vấn, giải quyết các mâu thuẫn, bất hòa trong hôn nhân gia đình một cách có hiệu quả.

Ngọc Hà, Ksor Tuối

 


Lượt xem: 194

Trả lời