Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi theo hướng bền vững

Cập nhật 04/4/2019, 08:04:32

Sản xuất theo hướng bền vững, tuân thủ  yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm đang là xu hướng được nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai tiếp thu và áp dụng vào mô hình kinh tế của mình. Từ việc khắt khe trong từng khâu sản xuất, chăn nuôi những mô hình này đã khẳng định hiệu quả từ hướng đi đúng đắn.

Cách ly đàn heo với mầm bệnh, lên lịch tiêm chủng một cách chính xác, thậm chí là cho heo nghe nhạc… Đây chỉ là một số ít những yêu cầu nghiêm ngặt mà mô hình nuôi heo sạch của gia đình ông Đoàn Minh Dự và bà Trần Thị Hoa Tổ dân phố 5, phường Yên Thế, thành phố Pleiku đang triển khai. Chính những điều kiện khắt khe trong chăn nuôi như thế này, mà gần hai năm nay đàn heo của gia đình ông phát triển tốt, đặc biệt không nhiễm dịch bệnh.

Ông Dự  cho biết: “Chúng tôi có một suy nghĩ cùng nhau bảo vệ môi trường, bảo vệ kinh tế cho gia đình, khi mà đàn heo của nhiều nơi có nhiều dịch bệnh gây ra tổn hại kinh tế gia đình rất lớn, do vậy chúng tôi phòng trừ thì chúng tôi phải tuân thủ quy trình vacxin, bảo vệ môi trường, bảo vệ vệ sinh hàng ngày tốt cho trại của mình”.

Ở mô hình của gia đình ông Đoàn Minh Dự, từng quy trình chăm sóc không chỉ được vợ chồng ông tuân thủ nghiêm mà chính việc kiên trì đi theo hướng sản xuất sạch, đảm bảo từ khâu chọn giống mà đàn heo của gia đình chị được nhiều người biết đến. Chính vì thế, việc tìm kiếm đầu ra đã không còn trở thành nỗi lo. Hằng năm, mặc dù mô hình này cung cấp ra ngoài thị trường chỉ khoảng 400 con giống và 150 con heo thịt, tuy nhiên mức giá luôn ở mức ổn định và mang lại lợi nhuận khá.

Bà Hoa vợ ông Dự cho biết: “Chúng tôi đi theo mục tiêu chăn nuôi vững chãi theo mô hình heo sạch, giống thuần, đưa ra thị trường những giống heo tốt, vì hướng đó thì phát triển bền vững, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Chuồng heo chúng tôi thu heo nái mẹ sinh con, heo thịt sạch xuất ra thị trường rất ổn định”.

Là những người viên chức đã nghỉ hưu, và hiện nay hai vợ chồng ông bà Đoàn Minh Dự và Trần Thị Hoa đều đã ngoài 60 tuổi, đều không có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi. Tuy nhiên, từ sự tìm tòi, học hỏi và nhất là suy nghĩ, chăn nuôi khi đã đầy đủ kiến thức, tuân thủ các quy trình của ông bà cho chúng ta thấy được rằng nếu muốn phát triển bền vững, lâu dài thì ý thức của từng người dân là điều rất quan trọng. Bởi chỉ khi nào người dân thay đổi được ý thức, phương thức sản xuất theo hướng bền vững thì việc chăn nuôi, trồng trọt sẽ phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế.

Ông Dự cho biết thêm: “Mô hình của gia đình chúng tôi thì rất uy tín trên thị trường, họ cứ kháo nhau heo sạch, heo đảm bảo, rất nhiều người đòi mua heo nhà tôi, mà cũng không đủ heo mà bán kể cả heo con và heo thịt”.

Bà Hoa cũng nói: “Tuổi thì cũng lớn rồi đáng lẽ phải nghỉ hưu, nhưng mà tôi nghĩ mình còn sức khỏe thì mình còn làm vươn lên từ sức lao động và trí tuệ của mình, chăn nuôi là thực tế mà người lớn tuổi cũng có thể làm được”.

Thanh Vui, Minh Vũ


Lượt xem: 85

Trả lời