Hiệu quả từ chương trình định canh định cư ở Krông Pa

Cập nhật 08/5/2017, 08:05:57

Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của bà con về tập quán sinh hoạt, sản xuất từ du canh, du cư đến định canh, định cư bền vững, từ đó, các dân tộc thiểu số có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

Cùng với các địa phương trong tỉnh, trong những năm qua, từ nhiều nguồn vốn phân bổ của Trung ương, tỉnh, huyện Krông Pa đã triển khai các chương trình, dự án định canh, định cư, lồng ghép với các chương trình khác, từ đó đã giúp hàng chục nghìn hộ gia đình trong huyện, chủ yếu là các hộ DTTS được “an cư lạc nghiệp”.

 

Trước đây, khi chưa chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của hàng trăm hộ dân buôn định canh, định cư HLiên, xã Ia Đrăng gặp rất nhiều khó khăn do nơi ăn, chốn ở không ổn định, đường xá xa xôi, cách trở, kết cấu hạ tầng gần như không có gì… Chuyển về nơi ở mới, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn đối với người dân ở đây…

Chị Rcom HPoan- buôn HLiên- xã Ia Đrăng- huyện Krông Pa nói: “Trước ở làng cũ khó khăn hơn, do đường xa và hay bị ngập lụt, về làng mới bà con yên tâm làm nhà, trồng lúa, trồng bắp, mỳ… để sinh sống”…

Chị Nguyễn Thị Ly- buôn HLiên- xã Ia Đrăng- huyện Krông Pacũng cho biết:  Bà con ra đây được mấy năm cũng thấy phát triển, làm nhà cửa cũng đỡ, cũng mong Nhà nước quan tâm nhiều hơn, hỗ trợ giống và vật tư nông nghiệp để làm kinh tế.

Cách trung tâm tỉnh khoảng 150 km về phía đông nam, buôn Ama Hing, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa thuộc vùng đặc biệt khó khăn, kinh tế chậm phát triển. Để giúp bà con nơi đây ổn định sinh kế lâu dài, chính quyền và các ngành chức năng huyện Krông Pa đã có nhiều nỗ lực và đã xây dựng thành công mô hình buôn định canh, định cư kiểu mẫu Ama Hing. Mục tiêu chung của Dự án là: Xây dựng buôn định canh, định cư ổn định gắn với phát triển kinh tế bền vững; giúp người dân cải thiện phương thức sản xuất và phát triển kinh tế gia đình… Dự án do UBND huyện điều hành, Trạm Khuyến Nông phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện từ năm 2007-2009, kinh phí gần 2,8 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước 530 triệu đồng, nhân dân đóng góp hơn 2,2 tỷ đồng…  Sau khi dự án được triển khai, đến nay, phần lớn các hộ trong buôn đều đã biết áp dụng KHKT vào sản xuất; đại đa số hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm đã làm chuồng trại, đặc biệt, toàn bộ vườn tược của người dân đều đã làm hàng rào, kinh tế hộ được tận thu từ chăn nuôi nhỏ và trồng cây ăn quả…

Bà Rơ Chăm H Loan- buôn Ama Hing- xã Đất Bằng- huyện Krông Pa cho biết: “Mình cũng được tập huấn, giờ thì đã biết trồng bắp sao cho đúng cách. Tuy mới trồng vụ đầu tiên nhưng thế này cũng được”.

Các dự án định canh, định cư tập trung và xen ghép được thực hiện theo Quyết định 33 và 193 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai ở Krông Pa đã và đang trở thành động lực, đòn bẩy, góp phần tạo nên diện mạo mới, cuộc sống mới của đồng bào các dân tộc địa phương…

Ông Đinh Xuân Duyên- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Krông Pa cho biết: “Trên địa bàn huyện Krông Pa chúng tôi tỷ lệ hộ đồng bào DTTS rất là đông, với hơn 70%. Từ chỗ đó, huyện rất là quan tâm việc sắp xếp ổn định dân cư định canh, định cư cho đồng bào DTTS. Các dự án sắp xếp dân cư ở các vùng như là xã Ia Deh, Chư Căm, Ia Rsai, Chư Ngọc thì cũng mang lại kết quả rất tốt. Từ năm 2000 đến nay, có 7 điểm dân cư, trong đó 2 điểm dân cư của vùng thủy lợi, thủy điện, còn 5 vùng còn lại là các vùng khu vực khó khăn chuyển đến nơi ở mới. Bà con được chuyển đến các trục đường, ví dụ như là: Khu vực xã Ia Deh, Chư Răng hiện nay chuyển đến địa điểm, địa bàn Trường Sơn Đông rất thuận lợi”.

Là địa phương có nhiều xã thuộc vùng 3, vùng đặc biệt khó khăn nên việc huyện Krông Pa triển khai liên tục và hiệu quả chương trình định canh, định cư có ý nghĩa rất thiết thực, đã giúp hàng chục ngàn hộ gia đình trong huyện ổn định chỗ ở và phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống. Thông qua chương trình này càng củng cố niềm tin của nhân dân đối với những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta./.

Ngọc Ánh, Huy Toàn


Lượt xem: 128

Trả lời