Hiệu quả tích cực từ việc đưa cồng chiêng vào trường học

Cập nhật 30/10/2016, 09:10:33

Nhiều năm qua, việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở Gia Lai ngày càng được coi trọng. Đặc biệt, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã đưa cồng chiêng vào các giờ học ngoại khóa, tạo sự hứng khởi và thu hút đông đảo học sinh tham gia. Phóng sự được thực hiện ở huyện Chư Păh.  

28-10-hieuqua

Sau những giờ học tập nghiêm túc trên lớp, những hoạt động như sinh hoạt  cồng chiêng như thế này luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với học sinh trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Păh. Đều đặn vào mỗi chiều thứ 7 của tuần thứ 4 trong tháng, không ai bảo ai, các em đều tự giác tập hợp lại để tập luyện cồng chiêng và xem đây như một hình thức thư giãn đầy bổ ích.

Em Rơ Châm Dân,Trường THCS dân tộc nội trú huyện Chư Păh nói: Trước đây em không biết đánh cồng chiêng, vào trường học này rồi em mới được học. Mới đầu em cảm thấy khó nhưng thầy dạy rồi em cũng quen. Hiện giờ em đánh thành thạo rồi…

Em Rơ Châm Ling, Trường THCS dân tộc nội trú huyện Chư Păh cũng cho biết: “Vào trường em được học thêm nhiều điệu múa xoang và được giao lưu với điệu múa của dân tộc khác. Trường tổ chức dạy và sinh hoạt cồng chiêng vào thứ 7 em cảm thấy rất thích, nó giúp em thư giãn và giúp chúng em gìn giữ văn hóa của dân tộc mình”.

      Đó cũng là cảm xúc chung của hầu hết học sinh Trường THCS dân tộc nội trú huyện Chư Păh. Năm học này là  năm thứ 4 em Rơ Châm Ling và Rơ Châm Dân tham gia đội cồng chiêng của trường. Từ cảm giác bỡ ngỡ ban đầu, đến nay, các em đã nắm vững kỹ thuật và biểu diễn thành thạo nhiều bài  từ đơn giản đến khó. Cũng từ sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy Rơ Châm Puih- Phó hiệu trưởng nhà trường, từ năm 2004 đến nay, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành dưới mái trường này và tiếp tục có đóng góp quan trọng vào việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng ở địa phương.

Thầy Rơ Châm Puih, Phó Hiệu trưởng Trường THCS dân tộc nội trú huyện Chư Păh cho biết: “Tôi cũng xuất thân từ làng nên học và biết cồng chiêng từ nhỏ. Từ khi đến dạy ở trường này từ năm 2004 đến nay thì tôi cũng đã dạy cồng chiêng cho các em học sinh với mong muốn gìn giữ nét bản sắc văn hóa của dân tộc. Các em học sinh hào hứng tham gia lắm”.

       Với đặc thù của một trường có 100% học sinh dân tộc thiểu số, việc tổ chức những hình thức sinh hoạt gần gũi, gắn liền với đời sống văn hóa của dân tộc mình như cồng chiêng đã giúp các em có thêm động lực tinh thần để vươn lên trong học tập. Cũng nhờ vậy, nhiều năm học qua, chất lượng giáo dục của nhà trường không ngừng được nâng cao. Cuối năm học 2015- 2016, tỷ lệ học sinh khá giỏi của trường đạt 60,5%, duy trì sỉ số đạt 100%.

Cô Nguyễn Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường THCS dân tộc nội trú huyện Chư Păh cho biết:  “Việc đưa cồng chiêng vào trường học có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác giáo dục của nhà trường. Nhà trường đã sắm 2 bộ cồng chiêng cho các em tập luyện. Bên cạnh góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, hoạt động này cũng tạo ra sân chơi bổ ích giúp các em thêm yêu trường, mến bạn và cố gắng hơn trong học hành”.

Bằng nhiều nỗ lực, hoạt động cồng chiêng của trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Păh đã đểlại nhiều ấn tượng đẹp, giành nhiều giải cao ở các hội thi cồng chiêng. Hiệu quả tích cực từ việc đưa cồng chiêng vào trường học đã giúp nhà trường vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục vừa góp phần gìn giữ và tiếp nối văn hóa cồng chiêng- loại hình văn hóa được xem là “báu vật” của người dân các dân tộc Tây Nguyên./.

Ngô Thanh, Đức Thành

 


Lượt xem: 248

Trả lời