Hiệu quả bước đầu từ thông tư mới về đánh giá học sinh tiểu học

Cập nhật 15/2/2017, 14:02:48

Sau 2 năm thực hiện Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học với nhiều hạn chế, bất cập, bắt đầu từ năm học 2016-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 22 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 30. Sau một học kỳ áp dụng, Thông tư 22 đã nhận được sự phản hồi tích cực từ cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.

 

Sau khi nghiêm túc triển khai việc đánh giá học sinh theo thông tư mới vừa được Bộ GD và ĐT bổ sung, tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh trường TH Phan Chu Trinh, huyện Chư Prông đã kết thúc học kỳ I với nhiều niềm vui và tâm trạng phấn khởi. Bởi với cách đánh giá mới rõ ràng hơn đã giúp học sinh nhận biết được mức độ đạt về kiến thức, kĩ năng, nhất là hạn chế trong học tập, trong sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất từ đó nhà trường đưa ra những biện pháp cần thực hiện để tiến bộ. Đối với giáo viên, những áp lực về sổ sách đã được giảm đáng kể bởi sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục. Giáo viên được quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ và ghi chép những lưu ý đối với học sinh.

Cô Vũ Thị Loan,  Hiệu trưởng Trường TH Phan Chu Trinh, huyện Chư Prông cho biết: “Sau khi Bộ, Sở và Phòng triển khai thực hiện Thông tư 22 về đánh giá học sinh thì nhà trường đã nghiêm túc áp dụng. Qua học kỳ vừa rồi chúng tôi đánh giá Thông tư này đã sát với thực tế và khắc phục nhiều hạn chế của Thông tư 30”.

Đó cũng là nhận xét của nhiều trường TH khác trên địa bàn tỉnh sau khi áp dụng Thông tư mới về đánh giá học sinh. Tuy thời gian áp dụng chưa được lâu, quá trình thực hiện còn nhiều bỡ ngỡ và vướng mắc giữa cách đánh giá cũ và mới song với sự nỗ lực và quyết tâm cao, các trường đã triển khai tập huấn, phổ biến Thông tư mới đến toàn thể giáo viên. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của các trường cũng như năng lực của học sinh được đánh giá đúng thực chất hơn, giáo viên có thêm thời gian để chuẩn bị bài giảng và quan tâm đến HS.

Cô Đinh Thị Kim Liên, Phó Hiệu trưởng Trường TH Anh hùng Núp, huyện Chư Pưh nêu : “Điều chúng tôi đánh giá cao nhất ở Thông tư này đó chính là giúp việc đánh giá học sinh được chính xác hơn, khuyến khích được tinh thần nỗ lực và vươn lên của các em…với 3 mức đánh giá: hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Như vậy sẽ khuyến khích được học sinh phấn đấu hơn”.

       Có thể nói, thay đổi căn bản của Thông tư 22 là đã trao quyền chủ động đánh giá học sinh cho giáo viên. Với những kết quả bước đầu đạt được, nhiều giáo viên tin tưởng rằng thông tư này sẽ tạo một luồng gió mới trong giáo dục tiểu học. Để phát huy mạnh hơn nữa ưu điểm của cách đánh giá mới này, các trường cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tập huấn, bồi dưỡng cách thức cũng như công tác giám sát để giáo viên có thể áp dụng vào thực tiễn nhận xét, đánh giá học sinh. Đồng thời tập trung tuyên truyền, trao đổi để phụ huynh học sinh nắm rõ những điểm mới của thông tư này và cùng phối hợp với nhà trường chăm lo việc học tập của các em./.

Ngô Thanh, Thanh Sáng

 


Lượt xem: 50

Trả lời