Hiệu quả bước đầu từ cánh đồng  lớn ở Phú Thiện

Cập nhật 10/5/2017, 08:05:36

Làm thế nào để nâng cao năng suất cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích – Đây không chỉ là mong muốn của  nông dân, mà cũng là bài toán được các cấp, ngành chức năng ở mỗi địa phương đi tìm lời giải. Tại tỉnh Gia Lai, trong mấy năm gần đây có một mô hình, cách làm mới đã, đang được một số địa phương mạnh dạn áp dụng triển khai nhân rộng, đó là “mô hình cánh đồng  lớn”.

 Để có được cánh đồng lớn, giải pháp tối ưu là phải kiến thiết lại đồng ruộng thành những vùng sản xuất tập trung, từ đó ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra những mặt hàng nông sản chất lượng cao, nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia  tiêu thụ sản phẩm. Sau đây là ghi nhận việc triển khai thực hiện cánh đồng lớn ở Phú Thiện.

Để giúp nông dân tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào thâm canh cây lúa nước, thời gian qua, huyện Phú Thiện đã đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã kiểu mới. Theo đó, hợp tác xã có vai trò gắn kết nông dân, chịu trách nhiệm cung cấp giống, phân bón, vật tư nông nghiệp và hướng đến là bao tiêu sản phẩm cho bà con. Điều này, không những góp phần giảm chi phí đầu tư cho nông dân mà năng suất chất lượng và giá thành sản phẩm cũng được tăng cao đáng kể, tăng tính cạnh tranh của gạo Phú Thiện. Hiện nay, toàn huyện Phú Thiện đã xây dựng được 18 cánh đồng sản xuất theo mô hình lúa một giống với tổng diện tích gần 700ha trên địa bàn 8 xã thị trấn. Ngoài ra, huyện cũng đã triển khai xây dựng cánh đồng lớn quy mô diện tích lên đến 77 ha.

Ông Ksor Thoan- thôn Glung A- xã Ia Ke huyện Phú Thiện cho biết: “Gia đình làm lúa theo mô hình lúa một giống OM 4900 thì khâu chăm sóc là từ lúc ban đầu đi cày lần 1, lần 2 đến lần 3 thì gạt bằng sạ, cách 1, 2 ngày thì phun thuốc diệt mầm. Sau đó 10 ngày thì bón thúc lần 1, sau 35 ngày bón thúc lần 2, sau bón thúc lần 3 thì chờ thu hoạch thôi, hiệu quả cao hơn các loại lúa trước”.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Chrô Pơnan- huyện Phú Thiện cho biết: “Tất cả bà con được họp biết về giống lúa, khi triển khai thì hợp tác xã có nhiệm vụ liên kết bà con đảm bảo nước tưới, phân bón đúng thời điểm. Như cánh đồng này thì mùa thu hoạch sắp tới thì xã cũng sẽ đứng ra đưa máy móc về thu hoạch tập trung giảm chi phí sản xuất cho bà con làm được điều này là vì mình áp dụng cánh đồng 12 giống tất cả diện tích đều được làm giống nhau”.

Với lợi thế, tiềm năng đất đai sẵn có, đến nay, tổng diện tích lúa nước 2 vụ của huyện Phú Thiện đã tăng lên hơn 6.000ha, đưa địa phương trở thành vùng chuyên canh cây lúa nước lớn nhất tỉnh Gia Lai. Sau hơn 4 năm thực hiện lộ trình xây dựng thương hiệu lúa gạo, đến nay, huyện Phú Thiện đã đưa vào trồng khảo nghiệm nhiều loại giống lúa mới thay thế những giống lúa chất lượng thấp. Cùng với đó, tăng cường đầu tư phát triển sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn theo định hướng quy hoạch phát triển qua từng năm..
Ông Bùi Trọng Thành- Trưởng Phòng NN&PTNT- Phú Thiện đánh giá: “Thông qua việc triển khai mô hình cánh đồng lúa lớn một giống, chúng tôi hỗ trợ cho các hợp tác xã nông nghiệp liên kết để cung ứng các dịch vụ đầu vào và đồng thời đại diện cho các hộ để liên kết với doanh nghiệp, bao tiêu đầu ra cho nông dân. Việc triển khai cánh đồng lúa 1 giống trên địa bàn huyện thì cũng xác định đây là công việc sẽ được triển khai trong những năm tới”.

Việc triển khai mô hình cánh đồng lớn ở Phú Thiện nói riêng và ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh nói chung không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân mà còn là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp đầu tư thu lợi nhuận. Vì khi đó sẽ có được nguồn cung nguyên liệu lớn, đảm bảo chất lượng và ổn định lâu dài. Doanh nghiệp sẽ giúp cung ứng vật tư đầu vào với giá gốc, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nông dân đồng thời bao tiêu sản phẩm theo giá thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.
Ngọc Ánh, Piên


Lượt xem: 67

Trả lời