HĐND tỉnh giám sát kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tại huyện Mang Yang

Cập nhật 09/5/2022, 17:05:09

Ngày 9/5, Đoàn giám sát do ông Trương Văn Đạt – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát kết quả thực hiện Kế hoạch hành động “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020” tại huyện Mang Yang, cùng đi có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Trước khi làm việc với UBND huyện Mang Yang, Đoàn đã khảo sát thực tế tại Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai, xã Đăk Tơ Ley và Chi nhánh Gia Lai – Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao chuyên chế biến chanh dây, dứa và các loại rau củ quả.

Tại buổi làm việc với huyện Mang Yang, đoàn giám sát ghi nhận những kết quả đạt được của địa phương trong việc triển khai Kế hoạch hành động, nhất là mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa giống mới có năng suất, chất lượng, giá trị cao, được thị trường ưa chuộng vào sản xuất, góp phần cải thiện thu nhập và thay đổi đáng kể hoạt động nông nghiệp của huyện. Trong giai đoạn 2016 đến 2020, diện tích cây trồng trên toàn huyện tăng hơn 1.500 ha so với trước đó. Huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên những loại cây có giá trị kinh tế cao, cùng với đó, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi hàng hoá tập trung, quy mô lớn, theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ trong trồng trọt và chăn nuôi.

Phát biểu tại buổi giám sát, ông Trương Văn Đạt đề nghị đoàn giám sát, các sở, ngành và huyện Mang Yang cần quan tâm, đề xuất tháo gỡ một số bất cập, khó khăn đang ảnh hưởng đến tiến độ tái cơ cấu nông nghiệp của huyện. Cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chuyển đổi diện tích cây trồng, đưa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Huyện cần quan tâm đến sự liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa người dân và vác đơn vị HTX và doanh nghiệp. Đối với vùng không có công trình thủy lợi cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng gần rừng để bà con có cơ hội phát triển kinh tế dưới tán rừng như trồng và chăm sóc các loại cây dược liệu, nâng tầm giá trị trên diện tích canh tác và bảo vệ rừng hiệu quả và bền vững.  Những vấn đề bất cập cũng như ý kiến, kiến nghị của huyện Mang Yang trong quá trình thực hiện, đoàn giám sát ghi nhận sẽ trình lên kỳ họp HĐND sắp đến và các cấp có thẩm quyền giải quyết trong thời gian sớm nhất./.

Duy Linh


Lượt xem: 19

Trả lời