HĐND tỉnh Gia Lai giám sát việc quản lý và sử dụng vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội tại huyện Ia Pa

Cập nhật 07/6/2023, 18:06:07

Chiều cùng ngày, Đoàn tiếp tục chương trình giám sát “Việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Ia Pa giai đoạn 2016 – 2022”.

Đoàn giám sát gặp gỡ, trao đổi với một số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn HLil 1, xã Ia Mrơn để tìm hiểu các thông tin liên quan đến điều kiện, thủ tục vay vốn, mục đích, hiệu quả sử dụng vốn vay và nguồn thu để trả lãi hàng tháng. Nhiều hộ trước đây đã được vay vốn hộ nghèo, đã thoát nghèo nhiều năm, giờ được tiếp cận với các nguồn vốn chương trình khác để tiếp tục phát triển sản xuất.

Huyện Ia Pa triển khai ủy thác vốn ngân sách cho Ngân hàng chính sách xã hội chậm hơn một năm so với các địa phương khác. Cụ thể, từ 2017 đến 2022, mỗi năm ủy thác một tỉ đồng và trong giai đoạn này, huyện đã bổ sung thêm 443 triệu đồng từ nguồn quĩ dự phòng rủi ro, nâng tổng nguồn vốn ủy thác lên 6,443 tỉ đồng. Bằng nguồn vốn này, huyện đã giải quyết cho 197 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách có thêm nguồn vốn để đầu tư sản xuất, tạo việc làm, nâng dần mức thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, do nguồn ủy thác hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu vốn cấp thiết của người dân, dẫn đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Mặt khác, đối với những địa phương đã hoàn thành nông thôn mới, hộ có thu nhập thấp, hộ vừa thoát nghèo… không còn là đối tượng được vay vốn nên gặp khó khăn trong đời sống, sản xuất.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt đánh giá: Việc triển khai vốn ủy thác của huyện đã góp phần giúp hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Trong quá trình triển khai cần đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu và đúng đối tượng; trong đó quan tâm ưu tiên cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo, hộ gia đình chính sách và đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, từng bước vươn lên trong cuộc sống./.

Minh Thanh – Ksorr Tuối


Lượt xem: 3

Trả lời