H’Bông phát triển du lịch từ mô hình cây ăn quả

Cập nhật 07/1/2020, 08:01:59

Vài năm trở lại đây, diện tích trồng cây ăn quả tại xã H’Bông, huyện Chư Sê không ngừng phát triển, cùng với đó chất lượng, giá trị sản phẩm cũng không ngừng được nâng lên. Việc phát triển trồng cây ăn quả không những đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân mà đang dần mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái tại địa phương.

Với khoảng 3 trăm gốc táo da xanh được đem từ quê nhà Bắc Giang vào trồng, 3 năm nay gia đình bà Đặng Thị Phùng ở làng Kte, xã H’Bông, huyện Chư Sê yên tâm phát triển loại cây này thay cho cây mì, cây bắp vì hiệu quả kinh tế đem lại tương đối cao. Mỗi vụ gia đình bà thu hoạch được khoảng 3 tấn, thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 9 đến tháng 10, với mức giá bán sỉ 10.000 đồng/kg và 15.000- 20.000 đồng/kg bán lẻ đã đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình bà. Hiện vườn táo của bà được người dân trong vùng và các vùng lân cận biết đến, nhiều người còn đến tận vườn để tham quan và mua đem về.

Bà Đặng Thị Phùng – Làng Kte, xã H’Bông, huyện Chư Sê cho biết: “Nhà tôi mấy năm trước trồng mỳ, bắp nhưng năm thì được mùa, năm thì mất mùa, thu nhập không ổn định nên thấy ngoài quê trồng cây táo này có hiệu quả kinh tế hơn nên gia đình quyết định trồng thử mấy trăm cây.  Hiệu quả kinh tế đem lại cũng được, không phải chăm sóc như cây khác. Nhà tôi không phải đi bán vì khách mua quen rồi tới đây tham quan, xem nhà tôi chăm bón như thế nào rồi mua trực tiếp luôn”.

Nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó cây ăn quả được nhiều người lựa chọn vì chi phí đầu tư ít, công chăm sóc và giá cả cũng khá ổn định. Hiện xã H’Bông có hơn 75 ha cây ăn quả với nhiều chủng loại như: Bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, ổi, táo, mít thái. nhãn lồng Hưng Yên,…

 Ông Phạm Văn Ngợi – Thôn Ia Sa, xã H’Bông, huyện Chư Sê cũng cho biết: “Vườn nhãn này tôi trồng năm thứ 5, năm thứ 3 ra quả và ăn được 2 năm rồi. Chăm sóc rất đơn giản, so với các loại cây tôi thấy hiệu quả nhất, với giá bán như bây giờ 25 ngàn/cân đến vườn họ cắt, bình quân 1 cây có 30 cân thì có 700-800 ngàn rồi. Hiệu quả hơn so với tiêu và cà phê thì không bằng rồi, chăm sóc rất nhàn”.

Với lợi thế nằm trong tuyến Du lịch Thác Phú Cường – Hồ Ayun Hạ – Khu Di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia Plei Ơi giữa huyện Chư Sê và huyện Phú Thiện, vì vậy xã H Bông đang hướng người dân phát triển cây ăn quả gắn với phát triển du lịch sinh thái.

Ông Siu Vông – Phó Chủ tịch UBND xã H’Bông, huyện Chư Sê nói: “Xã H’Bông là xã vùng 3 của huyện Chư Sê, mô hình cây ăn trái phát triển cũng nhiều như nhãn, mít, táo thì với thế mạnh của địa phương. Vì thế chúng tôi định hướng cho bà con học tập mô hình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, phát triển cây ăn trái kết hợp với khu du lịch từ Thác Phú Cường xuống H’Bông khách du lịch có thể đến tham quan trải nghiệm tại các vườn cây ăn trái”.

Việc phát triển diện tích cây ăn quả gắn với phát triển du lịch được xem là hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, địa phương cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, đặc biệt là có hướng hỗ trợ người dân xây dựng mô hình tham quan trải nghiệm vườn cây ăn quả nhằm thu hút du khách đến tham quan, tiêu thụ sản phẩm./.

Lê Thư – Thiên Thanh –  Duy Linh


Lượt xem: 128

Trả lời