Góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cây chanh dây

Cập nhật 21/5/2018, 09:05:54

Công ty Cổ phần Nafoods Group – doanh nghiệp dẫn đầu Châu Á về  xuất khẩu sản phẩm chanh dây cô đặc đầu tư vào Gia Lai sẽ mang lại cơ hội để cây chanh dây được phát triển ổn định, góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương. Để đạt được điều này, ngoài yếu tố cây giống đảm bảo chất lượng, đòi hỏi bà con nông dân cần phải tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc để vườn cây đạt năng suất, chất lượng cao.

Một trong những vườn cây chanh được đánh giá đạt yêu cầu về năng suất của ông Mai Tiến Lực tại Huyện Kon Rẫy Kon Tum. Để đạt được điều này, ngoài đảm bảo yêu cầu về cây giống đạt tiêu chuẩn chất lượng, công tác quản lý sâu bệnh hại cũng được anh Lực đặc biệt quan tâm, theo dõi và có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả. So với các loại cây trồng khác thì chanh dây là một trong những loại cây dễ bị sâu bệnh, tốc độ lây lan lại rất nhanh. Vì vậy nếu việc quản lý sâu bệnh không tốt, thiệt hại mang lại rất lớn.

|Anh Lực cho biết: “Mình thấy rất nhiều giống chanh dây của Đài Loan bị nhiễm bệnh rất nhiều, nhưng chanh dây của Nafoods kháng bệnh tốt. Năm nay tôi đã trồng được hai khu vực, mình thấy khả năng kháng bệnh rất tốt và trái thì không thua gì. Bất cứ loại cây trồng nào cũng có bệnh nhưng mình nên phòng trước. Phòng trước khi bệnh xuất hiện theo mùa, theo thời tiết sẽ tốt hơn. Nếu một vườn đạt năng suất cao, ngoài việc bón phân dưới gốc, phải quan sát màu sắc của lá, của trái như thế nào để phun thêm các dưỡng chất trên lá cây để đủ sức nuôi dưỡng”.

Mặc dù dễ trồng, nhưng chanh dây là một trong những loại cây trồng nguy cơ nhiễm sâu bệnh hại rất cao và tốc độ lây lan lại rất nhanh. Điều này khiến không ít nông dân trồng chanh dây lo lắng, lúng túng trong việc phòng ngừa

Anh Lê Doãn Sáng, cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Nafoods Tây Nguyên khuyến cáo: “Vào mùa mưa thì trên cây chanh dây thường xuất hiện một số loại bệnh. Bệnh do vi rút, trên quả thường xuất hiện hiện tượng bần hóa quả, trên quả có những vệt màu trắng… Để khắc phục bệnh này bà con cần loại trừ các vi rút truyền bệnh, làm sạch dụng cụ lao động… Bệnh thứ hai thường gặp là bệnh nấm dầu. Bệnh này bà con hạn chế bón các loại NPK độ đạm cao. Bệnh đốm nâu bà con làm quang vườn… Bệnh bã chầu và mắt cua, bà con nên phòng bệnh, bơm qua một lần thuốc, làm quang, thoáng vườn”.

Gia Lai hiện có khoảng 3.000 ha chanh dây. Dự báo con số sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên song song với việc phát triển mở rộng diện tích, việc đảm bảo tuân thủ quy trình kỹ thuật trong trồng, chăm sóc nhằm góp phần đảm bảo sự phát triển hiệu quả, ổn định, bền vững.

Hồng Uyên,Thanh Sáng

 


Lượt xem: 77

Trả lời