Góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc âm nhạc Tây Nguyên

Cập nhật 22/3/2014, 08:03:26

Trong kho tàng âm nhạc dân gian các dân tộc Việt Nam, âm nhạc dân gian các dân tộc Tây Nguyên được giới nghiên cứu đánh giá cao về tính nguyên sơ, phong phú và độc đáo của nó. Hội thảo “Giữ gìn và phát huy bản sắc âm nhạc các dân tộc Tây Nguyên trong quá trình phát triển và hội nhập” vừa được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại TP. Pleiku với sự tham dự của đông đảo các nhạc sĩ đến từ 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam và Tây Nguyên đã góp thêm tiếng nói, thêm một lần khẳng định chân giá trị này.

 
Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B

Trao đổi với P.V, nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu-Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam (NSVN), Trưởng ban Lý luận Hội NSVN cho biết: Tại Hội thảo, các tham luận của các chi hội NSVN trong khu vực tập trung nêu bật vai trò, giá trị của âm nhạc trong đời sống hiện nay cũng như những giải pháp nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc âm nhạc của các dân tộc Tây Nguyên nói riêng, các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn các tỉnh phía Nam nói chung. Một số tham luận thu hút được sự quan tâm của nhiều nhạc sĩ như: Giữ gìn và phát huy bản sắc âm nhạc các dân tộc Tây Nguyên trong quá trình phát triển và hội nhập là nhiệm vụ trực tiếp của các NSVN (chi hội NSVN Gia Lai), Làm gì để giữ gìn và phát huy bản sắc âm nhạc dân tộc Tây Nguyên trong quá trình hội nhập (chi hội NSVN TP. Hồ Chí Minh), Cảm nghĩ về cồng chiêng Tây Nguyên-Tây Trường Sơn trong xu thế hội nhập (chi hội NSVN Đà Nẵng)… Phải nói rằng, từ lâu, âm nhạc dân gian Tây Nguyên đã được giới thiệu trên một số tạp chí và các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời cũng đã được một số nhạc sĩ khai thác và sử dụng chất liệu của nó để sáng tạo nên một số tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật cao, được đông đảo người yêu thích âm nhạc trong cả nước đón nhận một cách trân trọng. Qua hội thảo này, chúng tôi hy vọng sẽ góp thêm một tiếng nói khẳng định giá trị của âm nhạc Tây Nguyên.

Là người sở hữu một tham luận được các nhạc sĩ có mặt tại hội thảo đánh giá là dày dặn và sâu sắc, Thạc sĩ, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan-đại diện chi hội NSVN Gia Lai khẳng định: “Âm nhạc dân gian các dân tộc Tây Nguyên là những sản phẩm vật chất và tinh thần của đồng bào Tây Nguyên sáng tạo ra trong quá trình hoạt động thực tiễn. Vì thế, âm nhạc Tây Nguyên phản ánh đầy đủ tâm hồn, cốt cách của những con người sống giữa núi rừng Tây Nguyên, vô cùng phong phú, độc đáo và có một sức sống mãnh liệt. Trong bất cứ lĩnh vực hoạt động nào của con người, chúng ta cũng bắt gặp các hình thức sinh hoạt âm nhạc độc đáo ở nhiều không gian và thời gian khác nhau”.
 

Cũng theo nhạc sĩ Lê Xuân Hoan, nói đến bản sắc âm nhạc Tây Nguyên là nói đến cả một vùng văn minh nương rẫy-một nền văn hóa mang tính nguyên hợp, trong đó âm nhạc nổi lên như một thành tố chủ đạo, xuyên suốt trong tất cả các hoạt động của con người từ thuở lọt lòng mẹ cho đến lúc về với thế giới Atâu. Đó là một quá trình phát triển năng động và sáng tạo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong suốt chiều dài lịch sử, bởi vậy việc giữ gìn và phát huy bản sắc âm nhạc Tây Nguyên trong quá trình hội nhập là nhiệm vụ trực tiếp của giới NSVN.

Góp với hội thảo bản tham luận có tiêu đề: “Dòng âm nhạc các dân tộc thiểu số miền núi ở Bình Định hòa vào dòng chảy âm nhạc của Tây Nguyên”, Nhạc sĩ Thế Tuyên-chi hội NSVN Bình Định cho rằng: “Những giá trị văn hóa, trong đó có âm nhạc mà các dân tộc miền núi tỉnh Bình Định sáng tạo ra trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của mình; được lưu giữ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; là những tài sản vô giá có một sức sống mãnh liệt, đã trở thành niềm tự hào không chỉ của riêng con cháu người Chăm, Bahnar, H’Rê ở Bình Định mà còn là của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam, trong đó có sự giao thoa, cộng hưởng không thể thiếu của các dân tộc Tây Nguyên…”.
 

Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B

Một trong những vấn đề được các nhạc sĩ quan tâm, đó là làm thế nào để “Giữ gìn và phát huy bản sắc âm nhạc Tây Nguyên trong quá trình hộp nhập”. Đề cập đến nội dung này, Nghệ sĩ Ưu tú Đào Trọng Minh-chi hội NSVN TP. Hồ Chí Minh nêu đề xuất: “Chúng tôi cho rằng, khi nói về Tây Nguyên, ngoài các dân tộc bản địa, chúng ta cũng nên đề cập đến những dân tộc thiểu số khác đã nhập cư và hiện đang sinh sống tại địa bàn này. Chính vì vậy, việc giữ gìn và phát huy bản sắc âm nhạc trên vùng đất Tây Nguyên trong quá trình hội nhập cũng cần phải đặt ra yêu cầu sưu tầm và nghiên cứu để giữ gìn và phát huy bản sắc âm nhạc các dân tộc này để tìm ra những yếu tố hòa đồng và khác biệt với các dân tộc bản địa. Mặt khác, đối với những dân tộc cực kỳ ít người đang sống trên vùng đất Tây Nguyên cũng cần được ngành Văn hóa theo dõi, quan tâm; công việc này cần có sự phối hợp của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và Cục Văn hóa Di sản. Cuối cùng, chúng tôi mong rằng, hàng năm, Hội NSVN nên phối hợp với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên tổ chức cho hội viên đi nghiên cứu, tìm hiểu thực tế sáng tác để có thêm những tác phẩm, những công trình nghiên cứu về âm nhạc Tây Nguyên…”.

theo Báo Gia Lai Online


Lượt xem: 151

Trả lời