Giúp người nghèo vươn lên từ nội lực

Cập nhật 09/10/2019, 09:10:18

Từ cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai phát động. Nhiều địa phương đã cụ thể hóa bằng những cách làm,  mô hình  hay như: Cơ quan đơn vị giúp đỡ xã, thôn, làng khó khăn; cán bộ đảng viên, mặt trận các đoàn thể giúp đỡ hộ nghèo; cùng ăn, cùng ở, cùng làm để biết người nghèo cần gì, thiếu gì; đầu tư sản xuất như thế nào cho hiệu quả. Từ đó, chính quyền địa phương cân đối các nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo làm ăn.

Đến nay, nhiều hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tại các buôn làng khó khăn của Gia Lai đã thoát nghèo bền vững từ cách làm này. Câu chuyện được ghi nhận tại xã Ia Mlá, huyện Krông Pa.

2016 vợ chồng chị Nay H’yên thuộc diện hộ nghèo nhất của  buôn Dù, xã Ia Mlá, nhưng chỉ sau 2 năm gia đình chị đã thoát nghèo. Bây giờ  chị Nay H’yên đã có nhà kiên cố, phương tiện sản xuất và nghe nhìn. Những hộ gia đình như chị Nay H’yên từ khi là hộ nghèo cho đến khi thoát nghèo đều có sự đồng hành của cán bộ chính quyền, mặt trận các đoàn thể địa phương. Ngoài việc hỗ trợ phân bón, cây trồng, tư liệu sản xuất thì gia đình còn được hướng dẫn cách làm ăn mới để không còn nguy cơ tái nghèo.

Chị Nay H’yên, Buôn Dù, xã Ia Mlá, Krông Pa, Gia Lai chia sẻ: “Ban đầu là gia đình mình cho miếng đất, nhà nước đầu tư phân  bón, xét vào diện hộ nghèo. Nhờ đó, vợ chồng bắt đầu làm mỳ, mua bò, sau đó bán bò mua cây làm nhà, hai vợ chồng cố gắng. Thoát nghèo mình cũng mừng, vì mình đâu muốn mình nghèo mãi được”.
Ông Ksor Nhe, phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Ia Mal, Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Sau khi có kế hoạch của huyện thì họp khối đoàn thể và giao cho các hội phụ trách hộ nghèo thuộc hội viên của mình, hướng dẫn về cách sản xuất, trồng lúa, nuôi bò, cách chi tiêu…cầm tay chỉ việc từ đó người nghèo nắm được cách làm vươn lên thoát nghèo. Các hộ thoát nghèo sẽ tiếp tục là mô hình điểm, hướng dẫn, lan truyền cho các hộ nghèo khác trong buôn để có cách làm ăn, vươn lên”.

Buôn Dù, xã Ia Mlá có tổng số 126 hộ, trong đó gia đình nào có khả năng vươn lên thoát nghèo, hộ nào thiếu đất sản xuất, hộ nào thiếu vốn, hoàn cảnh nhu cầu của hộ nghèo cần được giúp đỡ đều được địa phương lên kế hoạch cho trước mắt mà lâu dài. Nhờ đó, các nguồn lực hỗ trợ về vốn, cây, con giống đều phát huy được hiệu quả. Toàn  Buôn Dù giờ chỉ có 6 hộ nghèo, địa phương cũng đang cố gắng tiếp tục giảm sâu tỷ lệ hộ nghèo theo từng năm.

Ông Ksor Ngát, Trưởng ban dân vận, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Krông Pa, Gia Lai trao đổi “Thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” thì chúng tôi đầu tư 3 nội dung: Phát triển sản xuất, đầu tư phân bón, phát triển cây trồng; hỗ trợ chăn nuôi bò; đầu tư điểm mua bán hàng hóa tại nông thôn, việc làm  đã phát huy hiệu từ chỗ làm nông không có đất sản xuất thì nay thu nhập đạt từ 150 ngàn đến 200 ngàn đồng/ ngày”.

Thông qua các hình thức xóa nhà ở tạm, cho mượn vốn kinh doanh, hỗ trợ cây, con giống hoặc cho mượn đất để sản xuất, với cách hỗ trợ cho mượn cần câu thay vì cho con cá đã giúp các hộ nghèo có trách nhiệm hơn trong làm ăn.

Câu chuyện tại Buôn Dù xã Ia, Mlá, huyện Krông Pa đã cho thấy việc hỗ trợ từng hộ nghèo được sàng lọc ngay từ đầu nên kết quả hỗ trợ cũng đạt hiệu quả cao hơn. Những hộ đã thoát nghèo thì gần như có rất ít hộ tái nghèo trở lại. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các địa phương thực hiện thành công tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới./.

Kim Ngân, Viễn Khánh


Lượt xem: 46

Trả lời