Giúp học sinh nắm vững kiến thức từ hoạt động trải nghiệm

Cập nhật 22/1/2024, 16:01:32

Hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp là môn học mới ở bậc phổ thông theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đối với môn học này, học sinh sẽ không bị gò bó bằng những bài giảng truyền thống trên lớp mà thay vào đó các trường đã khuyến khích các em học trải nghiệm từ thực tế cuộc sống theo từng chủ đề của môn học. Thông qua cách học như vậy, học sinh sẽ hứng thú và khắc sâu hơn những kiến thức được cung cấp.

Đây là một buổi học hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với chủ đề “Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên” của học sinh lớp 11, Trường THPT Pleiku. Không cần phấn trắng, bảng đen, thầy cô chỉ đóng vai trò hỗ trợ, địa điểm để các em tiếp nhận kiến thức cũng không phải là lớp học truyền thống, mà thay vào đó là những thông tin được hướng dẫn viên của Bảo tàng tỉnh Gia Lai cung cấp về Quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku – công trình văn hoá tiêu biểu của khu vực Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng.

Em Võ Đức Hùng – Lớp 11A7, Trường THPT Pleiku phấn khởi nói: “Trước đây em chỉ biết là có Quảng trường thôi chứ không có tìm hiểu sâu lắm. Nhưng sau hoạt động trải nghiệm này thì em đã biết được những kiến thức liên quan đến lịch sử phát triển của Quảng trường, quá trình hình thành và xây dựng, quá trình làm bức phù điêu, cũng như làm Tượng Bác, biết về ngày khánh thành Quảng trường”.

Quảng trường Đại Đoàn Kết là công trình mang ý nghĩa về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, gắn với văn hóa, lịch sử của khu vực Tây Nguyên. Từ những giờ học thực tế như thế này, học sinh không chỉ nắm vững những kiến thức về Quảng trường, mà các em sẽ xác định được trách nhiệm của bản thân trong giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá lịch sử của công trình này.

Em Nguyễn Tường Vy – Lớp 11A4, Trường THPT Pleiku chia sẻ: “Là học sinh thì chúng em sẽ tuyên truyền, keu gọi mọi người cùng chung làm những công việc nhỏ như trồng thêm cây xanh, giữ gìn vệ sinh chung để Quảng trường luôn đẹp trong mắt mọi người”.

Em Nguyễn Cửu Thị Mỹ Trang – Lớp 11A4, Trường THPT Pleiku bày tỏ: “Sau khi được học về Quảng trường trong hoạt động này thì em cũng sẽ là người giới thiệu về Quảng trường cho bạn bè ở những nơi khi đến đây chơi để nhiều người biết về giá trị lịch sử, văn hoá của Quảng trường”.

Đối với môn học Hoạt động trải nghiệm – Hướng nghiệp ở khối trung học phổ thông, các giáo viên của Trường THPT Pleiku xây dựng kế hoạch học tập gồm 3 phần: Hoạt động học tập, hoạt động trải nghiệm và kiểm tra hoạt động trải nghiệm của các em bằng cách trả lời trực tiếp các câu hỏi thông qua một phần mềm sử dụng chung của nhà trường được cài sẵn trên điện thoại thông minh của học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền – Tổ trưởng Tổ Lịch sử – GDCD, Trường THPT Pleiku nói: “Với sự kết hợp đó thì các em học sinh đã rất hứng thú khi tham gia vào tiết học. Nhờ vậy mà các em sẽ nắm vững được kiến thức hơn”.

Thực tế đã chứng minh rằng, các hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp rất cần thiết đối với học sinh nói chung, học sinh THPT nói riêng. Ở đó, mỗi điểm đến, mỗi hoạt động, mỗi trải nghiệm đều hướng tới mục tiêu cung cấp kiến thức thú vị, câu chuyện thực tế được lồng ghép tinh tế, giúp mang lại cho học sinh cảm xúc tích cực, những kỷ niệm khó quên, tạo động lực khơi gợi hứng thú khám phá của các em.

Quố Linh – Huy Toàn


Lượt xem: 3

Trả lời