Giáo dục và Đào tạo Gia Lai – những bước tiến đáng tự hào

Cập nhật 05/5/2022, 08:05:39

Cùng với cả nước, ngành Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) Gia Lai đang từng bước trưởng thành sau 47 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dù Gia Lai vẫn là địa phương còn gặp nhiều khó khăn về nhiều mặt, nhưng những năm qua ngành GD-ĐT tỉnh Gia Lai vẫn luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm đầu tư của chính quyền các cấp. Nhờ đó, chất lượng dạy và học được nâng dần qua từng năm.

Những ngày đầu mới thành lập (tháng 9/1975), Sở GD & ĐT Gia Lai, tiền thân là Sở Giáo dục Gia Lai – Kon Tum có quy mô khá nhỏ bé với khoảng 25 ngàn học sinh và hơn 600 giáo viên ở tất cả các cấp học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Trải qua hơn ½ chặng đường đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh, Giáo dục và Đào tạo Gia Lai đã có những bước phát triển mạnh mẽ về quy mô trường lớp, số lượng học sinh và đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên. Từ chỗ chỉ có duy nhất 01 trường Bổ túc văn hóa từ vùng căn cứ chuyển về, đến hết học kỳ I năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh đã có 763 trường mầm non và phổ thông, với trên 411 ngàn học sinh và trên 23 ngàn cán bộ, giáo viên. Cùng với sự phát triển về quy mô, chất lượng giáo dục được nâng lên, hoạt động dạy, học được thực hiện theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hướng đến mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực cho người học.

Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh Gia Lai cho biết: “Đồng thời, tỉ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp đối với bậc mẫu giáo đạt 90,6%, bậc tiểu học đạt 99,9%, THCS đạt 92,6% và bạc THPT đã đạt 56,7%. Và tỉ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia cũng đã đạt 54,33%. Như vậy, có thể nói chất lượng giáo dục đại trà của tỉnh Gia Lai đã có sự phát triển rất tốt”.

Một trong những giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh là đẩy mạnh công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Công tác này được thực hiện hiệu quả trong những năm gần đây nhờ tỉnh đã dành sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, bố trí, lồng ghép các nguồn lực hợp lý. Đặc biệt, công tác xã hội hóa ở nhiều trường đã được đẩy mạnh và tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Chính nhờ những giải pháp đó mà đến nay toàn tỉnh đã có 414/763 trường học đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỉ lệ 54,33%. Trong đó, Kbang là địa phương có tỉ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia cao nhất toàn tỉnh, với trên 86% số trường học đạt chuẩn.

Ông Lê Thanh Hải, Trưởng Phòng GD & ĐT huyện Kbang cho biết:  “May mắn là huyện đã được Trung ương, tỉnh lựa chọn để  làm điểm về xây dựng Nông thôn mới, nên nguồn kinh phí để đầu tư cho xây dựng trường chuẩn Quốc gia là tương đối lớn, trên 132 tỷ. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh là gần 56 tỷ, nguồn ngân sách tăng cường cơ sở vật chất là hơn 13 tỷ, nguồn từ Quyết định 293 là hơn 13 tỷ , nguồn từ xã hội hóa là hơn 39 tỷ”.

Cô giáo Lê Thị Yến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, thị trấn Kbang, huyện Kbang cũng cho biết: “Trong những năm qua, nhờ được sự đầu tư của huyện, trường đã xây dựng mới các phòng học bộ môn. Ngoài ra thì phòng Giáo dục cũng đã đầu tư các thiết bị dạy học trong các phòng học bộ môn như Tin học, âm nhạc, tiếng Anh, Mĩ thuật…Chính nhờ như vậy nên trong những năm qua, tỉ lệ học sinh lên lớp của nhà trường đạt trên 99%”.

Cùng với công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh Gia Lai trong những năm gần đây đã có những bước tiến rất đáng tự hào khi liên tục ghi dấu ấn trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, đóng góp tích cực vào thành tích chung của cả nước và của khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, trong 2 năm học 2020 – 2021, và 2021 – 2022, cả 9 đội tuyển tham dự Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông của tỉnh Gia Lai đều có học sinh đạt giải, trong đó có cả giải Nhất. Tất cả học sinh đạt giải đều đang theo học tại Trường THPT chuyên Hùng Vương, đơn vị luôn nhận được sự đầu tư có trọng điểm với 200% nguồn ngân sách so với các cơ sở giáo dục khác.

Cô giáo Lê Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương nói: “Những kết quả đạt được trong những năm gần đây của trường THPT chuyên Hùng Vương trước hết là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở, và đặc biệt là sự tự chủ, linh hoạt, năng động của Ban giám hiệu trong công tác điều hành. Và phải nói là đội ngũ đã có sự đoàn kết, cùng nhìn về một hướng để thực hiện mục tiêu giáo dục đào tạo, đáp ứng được yêu cầu của những năm học vừa rồi”.

Hơn 1 nửa chặng đường đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh nhà, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục Gia Lai luôn thấm nhuần theo lời dạy của Bác: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, để không ngừng nỗ lực, sáng tạo vượt qua khó khăn, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Nhìn lại hành trình đã qua, và chặng đường sắp tới, ngành Giáo dục & Đào tạo tỉnh Gia Lai dù vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng vẫn sẽ nỗ lực hết mình nhằm góp phần cùng cả nước đào tạo nên thế hệ tương lai có đầy đủ sức khỏe, đạo đức, tri thức để phục vụ cho công cuộc xây dựng quê hương Gia Lai ngày giàu đẹp, hiện đại và văn minh./.

Quốc Linh –Phi Long -CTV Hồng Hạnh


Lượt xem: 14

Trả lời