Giải pháp thoát nghèo bền vững ở một xã vùng biên

Cập nhật 25/1/2017, 08:01:15

Giúp bà con các dân tộc vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, có phương tiện sản xuất, đem đến cho họ cơ hội thoát nghèo bền vững là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, làm thế nào để thực hiện hiệu quả chủ trương này thì không phải dễ, nhưng với quyết tâm giúp người dân thoát nghèo bền vững, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực với nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ bò sinh sản từ năm 2015, gia đình bà Siu H’Byir ở làng Mook Trang, xã Ia Dom đã cố gắng chăm sóc, phát triển đàn bò để ổn định kinh tế. Bà cho biết: “Hiện bò của mình đã sinh được một bê con, mình đang cố gắng chăm sóc phát triển đàn bò để có tiền nuôi con ăn học”.

Cùng với việc hỗ trợ bò sinh sản, cũng trong năm 2015, thực hiện quyết định 755 của Thủ tướng chính phủ về hỗ trợ đất ở đất sản xuất cho đồng bào DTTS, xã Ia Dom đã rà soát và đề xuất với huyện phối hợp với Công ty TNHH MTV 72 giải quyết cho 12 trường hợp thiếu đất sản xuất với  diện tích 9,9 ha. Hiện 12 hộ này đã từng bước ổn định sản xuất.

Bà Rơ Châm Kép-Làng Bi-Xã Ia Dom- Đức Cơ cho biết: “Trước đây gia đình mình cũng khó khăn, không có đất sản xuất. Được Nhà nước hỗ trợ cấp đất vợ chồng mình yên tâm làm ăn, vừa trồng điều xen mì, lấy ngắn nuôi dài, phát triển kinh tế để thoát nghèo”.

Để giúp người dân thóat nghèo một cách bền vững, xã Ia Dom xác định là phải phát huy chính nội lực của mình, không trông chờ, ỷ lại vào cấp trên bằng cách là đổi mới cách nghĩ cách làm cho bà con dân tộc thiểu số, hướng dẫn bà con sản xuất một cách bền vững. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 23 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống đáng kể, tính đến cuối năm 2016 tỷ lệ nghèo là 8,42% theo tiêu chí đa chiều, đặc biệt số nhà dột nát đã được xóa bỏ hoàn toàn.

Ông Ngô Hữu Thiện- Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia Dom, huyện Đức Cơ cho biết: “Kinh nghiệm của địa phương trong việc vận động đồng bào DTTS thoát nghèo là tập trung cho công tác tuyên truyền để làm thay đổi về mặt nhận thức. Trước giờ ta cứ nghĩ là ta hỗ trợ, ta cho nhưng nó không mang lại hiệu quả. Vì thế chính quyền địa phương sau khi hoàn thành nông thôn mới và quyết tâm là thay đổi về mặt nhận thức của người dân trong việc thoát nghèo, có như vậy thì mới làm tốt việc phát triển kinh tế cũng như giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn”.

Là xã nông thôn mới đầu tiên trên tuyến biên giới Tây Nguyên, bộ mặt nông thôn ở xã Ia Do từng bước được khởi sắc, đời sống nhân dân  được cải thiện, tạo cơ hội cho nhiều hộ nghèo vươn lên. Đây là kết quả của sự kiên trì và sáng tạo của chính quyền địa phương trong việc triển khai các giải pháp thoát nghèo bền vững./.

Lê Thư, Huy Toàn


Lượt xem: 67

Trả lời