Giải pháp phát huy nội lực để thoát nghèo ở Ia Lâu

Cập nhật 02/10/2017, 14:10:51

Ảnh minh họa Vừa thoát nghèo năm 2016, năm nay hộ gia đình anh Nay Nhoang, làng Đút, xã Ia Lâu lại tiếp tục đăng ký thoát cận nghèo với quyết tâm cao. Để làm được điều này, anh Nay Nhoang ngoài việc mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách để đầu tư phát … Continue reading “Giải pháp phát huy nội lực để thoát nghèo ở Ia Lâu”

Ảnh minh họa

Vừa thoát nghèo năm 2016, năm nay hộ gia đình anh Nay Nhoang, làng Đút, xã Ia Lâu lại tiếp tục đăng ký thoát cận nghèo với quyết tâm cao. Để làm được điều này, anh Nay Nhoang ngoài việc mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách để đầu tư phát triển các loại cây trồng ưu thế của địa phương như lúa nước, mì, điều… còn biết đi thuê thêm đất của bà con trong làng để canh tác, mang về nguồn thu nhập lớn hơn. Hiện gia đình anh có 5ha mì, 2ha điều và 7 sào lúa nước.

Anh Nay Nhoang – Làng Đút, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai chia sẻ:

Mình được cán bộ xã giúp đỡ, chỉ bảo nhiều lắm. Được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng, được bày cho cách làm ăn, áp dụng KHKT. Mình đang cố gắng làm theo để mà phát triển kinh tế gia đình, nuôi con cái ăn học…

Ia Lâu là địa phương còn nhiều khó khăn nhưng cũng có không ít lợi thế để phát triển. Trong đó, lợi thế lớn nhất phải kể đến là đất đai rộng lớn, phù hợp để phát triển các loại cây trồng ngắn ngày như lúa nước, mì, bắp… hoặc cây công nghiệp dài ngày như điều. Vì thế, thời gian qua, để thúc đẩy công tác giảm nghèo bền vững, Đảng ủy, chính quyền địa phương cũng đã vận động nhân dân tập trung vào các loại cây trồng chủ lực này, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật để đạt năng suất cao, chất lượng tốt, mang về nguồn thu nhập cao.

Anh Hoàng Văn Long-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai cho biết:

Hội cũng đã làm nhiều cách để hỗ trợ tối đa các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo như luôn tìm kiếm các doanh nghiệp về tổ chức hội thảo, chuyển giao KHKT, đầu tư vốn, phân bón cho bà con sản xuất. Nhờ đó thì hiệu quả mang lại cao hơn, bà con thoát nghèo bền vững hơn.

Điều đáng ghi nhận là nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã đã có ý thức tự vươn lên để phát triển kinh tế, giảm tâm lý dựa dẫm, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ, cho không của Chính phủ, mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách hoặc tận dụng sự đầu tư của các doanh nghiệp trên địa bàn để tìm cách thoát nghèo cho gia đình. Do vậy, dù còn nhiều khó khăn nhưng hàng năm Ia Lâu đều đặt ra mục tiêu thoát nghèo từ 3 đến 5%. Năm 2017 này, Ia Lâu đang phấn đấu giảm được tỷ lệ hộ nghèo từ 19,4% của năm 2016 xuống còn khoảng 14 đến 15%.

Ông Nguyễn Đức Tuyên-Chủ tịch UBND xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai cho biết:

Giải pháp mà chúng tôi tập trung nhất là phát huy nội lực, tận dụng lợi thế của địa phương cũng như khơi dậy tính tự lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo để giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, địa phương cũng tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ của nhà nước để thực hiện thành công công tác giảm nghèo.

Với 13 thôn làng, trong đó có 2 làng đặc biệt khó khăn và 14 dân tộc cùng chung sống, vì vậy làm thế nào để triển khai các giải pháp giảm nghèo được đồng bộ, hiệu quả, tiến tới thực hiện thành công sự nghiệp giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ không đơn giản. Nhưng với những kết quả đạt được trong thời gian qua, cũng như triển vọng của các giải pháp đang thực hiện, hy vọng mục tiêu giảm nghèo của xã Ia Lâu sẽ sớm được thực hiện.

Ngọc Hà.


Lượt xem: 17

Trả lời