Giải pháp hiệu quả góp phần phòng ngừa bệnh hại trên cây hồ tiêu

Cập nhật 20/6/2019, 08:06:23

Sau hơn 1 năm triển khai Mô hình chỉ đạo điểm biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại cho cây tiêu, rất nhiều vườn tiêu của các hộ nông dân trên địa bàn huyện biên giới Đức Cơ sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, bất chấp dịch hại trên loại cây trồng này tại địa phương đang lây lan, diễn biến phức tạp. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng cho thấy giải pháp mà ngành chức năng triển khai bước đầu đạt được những hiệu quả hết sức khả quan.

2 năm trở lại đây, dịch bệnh trên cây hồ tiêu đã khiến cho khoảng 500ha cây trồng này của bà con nông dân trên địa bàn huyện Đức Cơ mất trắng. Giờ toàn huyện chỉ còn khoảng 200ha tiêu.

Thế nhưng nằm giữa vùng tiêu chết, gần 1ha hồ tiêu của gia đình ông Trần Thanh Tùng ở thôn Móc Trang, xã Ia Dom vẫn sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh. Ông Tùng chia sẻ: Sau khi tham gia Mô hình chỉ đạo điểm biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại cho cây tiêu mà huyện Đức Cơ triển khai, ông được cán bộ nông nghiệp huyện xuống tận vườn hướng dẫn kỹ thuật. Nhờ áp dụng đúng quy trình chăm sóc nên diện tích tiêu của gia đình có sức đề kháng tốt, chống chọi được với sâu bệnh.

Ông Trần Thanh Tùng – Thôn Móc Trang, xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Muốn làm gì cũng phải nhờ quy trình hướng dẫn của các cấp thôi. Trước mình phun ở trên ngọn này, rồi sau mình cũng phun dưới gốc nữa, rồi vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ. Ngoài ra phân bón cũng làm theo cách vừa đúng chứ không thể thiếu được. Riêng phân bón, cỏ, rác.. phải làm theo 3 đúng, 4 đúng”.

Anh Vũ Hồng Anh – Tổ trưởng Tổ Kỹ thuật, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Vệ sinh đồng ruộng là rất quan trọng, thứ 2 nữa là phải nhận định được vườn tiêu của mình sâu bệnh đến mức nào. Cùng với đó khi người dân phát hiện được mầm sâu bệnh ở trong vườn rồi, có người thì người ta báo thì mình đi kiểm tra kịp, có lúc thì không báo nên không thể kiểm tra nên khi bị sâu bệnh ở dưới gốc rồi thì mình phải có biện pháp là chỉ đạo người dân xử lý đúng kỹ thuật. Dưới gốc mà bị bệnh thì mình phải đưa biện pháp xử lý cho kịp thời. Đối với những vườn có dấu hiệu bị bệnh rồi thì phải tiêu hủy những cây đó đi để dập nguồn bệnh”.

Sau khi được cán bộ nông nghiệp huyện tận tay hướng dẫn kỹ thuật phòng ngừa dịch bệnh trên cây hồ tiêu,  nông dân tham gia mô hình sẽ chủ động đầu tư thuốc bảo vệ thực vật, công lao động và áp dụng quy trình chăm sóc dưới sự giám sát của ngành chức năng. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên nên bước đầu vườn tiêu của các hộ tham gia mô hình tại xã Ia Don và Ia Kla đều phát triển khỏe mạnh.

Anh Vũ Hồng Anh – Tổ trưởng Tổ Kỹ thuật, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Lấy những điểm mà các hộ tham gia làm hiệu quả như thế này để mình làm mục tiêu, từ đó mời những hộ không tham gia học tập theo. Xu thế tới đây thì chúng ta sẽ mở rộng lại diện tích tiêu, bởi vì đây là cây trồng có hiệu quả kinh tế và quy trình thì cần tiếp tục hướng dẫn cho bà con  để bảo vệ cây tiêu sau này nếu có trồng lại để đem lại hiệu quả cao”.

Với cách làm phù hợp, Mô hình chỉ đạo điểm biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại cho cây tiêu mà huyện Đức Cơ triển khai được đánh giá đem lại hiệu quả nhất định. Đây sẽ là tiền đề để nhân rộng ra nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện, giúp bà con nông dân khắc phục khó khăn, phát triển hồ tiêu bền vững./.

Đoàn Bình, Thanh Sáng

 


Lượt xem: 23

Trả lời