Giải pháp gỡ khó ở trường vùng DTTS

Cập nhật 16/4/2021, 13:04:20

Nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ chung của toàn ngành và là nhiệm vụ trọng tâm của từng cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, tùy điều kiện của từng đơn vị mà mỗi trường học đã đề ra những giải pháp riêng. Phóng sự sau đề cập đến giải pháp đã và đang mang lại hiệu quả cho một ngôi trường có đến 98%học sinh dân tộc thiểu số theo học.

Giờ học nhạc ở Trường THCS Trần Phú, xã  Der, huyện Ia Grai trở nên hấp dẫn hơn với các em học sinh và nhẹ nhàng hơn với giáo viên khi một số đồ dùng dạy học tự tạo được đưa vào sử dụng. Được biết những nốt nhạc này đã giúp cô giáo Phương Loan đạt giải trong hội thi làm đồ dùng dạy học do nhà trường tổ chức. Tùy nội dung từng bài dạy và đối tượng học sinh từng lớp, cô giáo sẽ tự tìm tòi để đưa thêm 1 số dụng cụ hỗ trợ việc dạy và học hiệu quả hơn.

Cô giáo Lê Thị Phương Loan, Giáo viên âm nhạc Trường THCS Trần Phú Ia Der – Ia Grai nói: “Đối với HS DTTS thì việc sử dụng đồ dụng dạy học mang lại hiệu quả rất cao vì các em chưa được tiếp xúc nhiều các mô hình như HS vùng thuận lợi nên các em rất hứng thú/ Có nhiều cách lắm, thứ nhất là mình tự nghĩ ra các đồ dùng dạy học để phục vụ cho học sinh, thứ 2 là mình lên mạng để tìm hiểu những đồ dùng nào mình chưa nghĩ tới mà hay và phù hợp cho học sinh mình thì sẽ cố gắng làm để phục vụ cho việc giảng dạy của mình và đối tượng học sinh của mình được tốt hơn”.

Dù được các cấp ngành quan tâm đầu tư về trang thiết bị dạy học, song ở ngôi trường còn nhiều khó khăn này vẫn rất cần sự nhiệt tâm của từng giáo viên để tìm kiếm và tự tạo những đồ dùng dạy học gần gũi và phù hợp với đối tượng học sinh địa phương. Điều đáng ghi nhận, là ở hầu hết các môn học đều đã và đang thực hiện hiệu quả giải pháp này góp phần không nhỏ để nâng dần chất lượng học tập, trước mắt là để các em vượt qua trở ngại ngôn ngữ, yêu thích việc học hơn.

Em Siu Thị Quỳnh Như, Lớp 8B Trường THCS Trần Phú, Ia Der – Ia Grai chia sẻ: “Em cảm thấy như thế sẽ dễ hiểu hơn, dễ tiếp thu bài  học và nhớ lâu hơn. Em thấy có nhiều thầy cô khác cũng dạy như thế này. Em rất thích học những tiết học như vậy”.
Năm học 2021 – 2022 sắp tới sẽ bắt đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp THCS, bắt đầu từ khối lớp 6. Theo đó, Trường THCS Trần Phú cũng đồng thời triển khai nhiều giải pháp khác để tạo tiền đề tốt nhất cho việc thay sách giáo khoa.

Thầy giáo Nguyễn Văn Mỵ, Phó hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú Ia Der – Ia Grai cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức các cuộc thi tự làm đồ dùng dạy học, những cuộc thi để GV và học sinh tăng cường tính mũi nhọn như thi chọn HS giỏi, Gv dạy giỏi và tất cả cuộc thi của ngành chúng tôi đều tham gia đầy đủ. Nhất là nhà trường tăng cường công  nghệ thông tin để GV bắt kịp yêu cầu  giảng dạy CT GD phổ thông mới. Chúng tôi trang bị 2 phòng dạy bảng thông minh để dạy cố định và trang bị thêm 2 đầu máy chiếu di động bằng tiền chúng tôi tự xoay sở linh động.

Sự chủ động và linh hoạt trong việc triển khai các giải pháp để gỡ khó, nâng cao chất lượng giáo dục như đơn vị Trường THCS Trần Phú có thể xem là những kinh nghiệm có thể áp dụng đối với các trường học thuộc vùng DTTS trong thời gian tới, góp phần chung tay triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới  trên địa bàn tỉnh Gia Lai./.

Hòa Giang, Viễn Khánh


Lượt xem: 21

Trả lời