Giá trị lịch sử và thời đại của Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945

Cập nhật 02/9/2023, 07:09:35

Tiếp nối thắng lợi vĩ đại của Cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, long trọng khẳng định với toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”. Bản Tuyên ngôn Độc lập trở thành một mốc son trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, một áng văn lập quốc vĩ đại đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự do.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. 

Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng một chân lý vĩnh cửu và đó là những lẽ phải không ai chối cãi được. Được suy ngẫm và viết bởi Hồ Chí Minh – Người mà trọn đời chỉ có một ham muốn tột bậc là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; bởi thế, tư tưởng chủ đạo, nổi bật trong Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 là “độc lập – tự do”, là tinh thần yêu nước, chuộng hòa bình và tinh thần nhân văn cao cả.

Không chỉ đấu tranh cho quyền độc lập, tự do cho dân tộc, đất nước mình, trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam là bộ phận khăng khít, là sự tiếp nối tiến trình đấu tranh vì “lẽ phải”, vì sự tiến bộ của loài người, là cuộc đấu tranh giành lại quyền thiêng liêng nhất của các dân tộc.

Thực tế từ thời khắc lịch sử ngày 02/9/1945, các dân tộc bị áp bức ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ cùng những người tiến bộ trên thế giới đã theo dõi từ Hà Nội, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trong không khí thiêng liêng đón chờ của hàng vạn đồng bào. Tuyên ngôn Độc lập là sáng tạo của cá nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng đồng thời là sản phẩm của lịch sử; là kết quả của những hy sinh của dân tộc ta trong gần một thế kỷ đấu tranh chống ách xâm lược của thực dân, đồng thời là sự kết tinh giá trị của hàng ngàn năm văn hóa Việt Nam.

Năm tháng qua đi, nhưng tinh thần của Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam, không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về bảo vệ quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập, tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ấp ủ và cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện.

78 năm đã trôi qua, Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 – văn kiện pháp lý đặc biệt quan trọng, kết tinh giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc và tinh hoa thời đại vẫn vang vọng mãi trong lịch sử Việt Nam và nhân loại, mang sức sống mãnh liệt và có giá trị trường tồn, là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mai sau. Kế thừa và phát huy những giá trị to lớn của Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, trong bối cảnh mới của đất nước và thời đại, Đảng ta, Nhân dân ta, dù trong hoàn cảnh nào vẫn luôn “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội – ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau”./.

Mỹ Tiến – R’Piên


Lượt xem: 12

Trả lời