Giá thực phẩm trên thị trường nhiều biến động

Cập nhật 01/11/2021, 10:11:55

Không chỉ giá các mặt hàng ở nhóm nguyên, nhiên, vật liệu cho sản xuất tăng mạnh, nhất là giá mặt hàng xăng, dầu, gas, mà thời gian qua nhóm hàng thực phẩm, nhất là thực phẩm thiết yếu cũng có nhiều biến động. Đặc biệt là giá các mặt hàng rau, củ, quả và hàng tươi sống.

Là một loại thực phẩm được dùng thường xuyên trong bữa cơm gia đình, thịt heo đang là mặt hàng được quan tâm khi giá heo hơi giảm thời gian gần đây. Hiện giá thịt heo trên thị trường dao động từ 90.000 – 110.000 đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên, theo các tiểu thương, mặc dù giá thị heo giảm hơn nhưng lượng người mua ít hơn hẳn so với trước. Lý giải điều này nhiều tiểu thương cho rằng hiện nay người tiêu dùng có nhiều lựa chọn trong việc mua thực phẩm. Bên cạnh đó, do dịch bệnh, thu nhập khó khăn nên người dân thắt chặt chi tiêu khi mua, sắm.

Chị Lương Thị Thanh – Tiểu thương chợ Hoa Lư cho biết: “Giá heo hiện tại mình nhập vào hạ dao động khoảng 20 ngàn đồng/kg nhưng mình bán hạ từ 40 ngàn – 35 ngàn đồng/kg.  Ba chỉ thời điểm cao nhất 160.000 đồng/kg hiện tại giá còn 110.000 đồng/kg, thịt vai 90.000 đồng/kg, đùi 100. Thời điểm này bán rất khó”.

Trong khi giá thịt heo hạ nhiệt thì giá mặt hàng rau, củ quả sau thời gian giảm sâu hiện đang có xu hướng tăng trở lại, thậm chí có loại tăng giá gần gấp đôi như mặt hàng củ, quả. Lý giải nguyên nhân mặt hàng này tăng giá các tiểu thương cho biết do thời tiết gần đây mưa nhiều ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng. Cộng với việc giá xăng tăng kéo theo chi phí vận chuyển cũng tăng lên cũng là một nguyên nhân khiến giá rau, củ tăng.

Bà Nguyễn Thị Vân – Tiểu thương Chợ Hoa Lư, Tp.Pleiku cho biết: “Hiện tại giá cả cao hơn thường ngày do thời tiết mưa gió rau, củ khó trồng hơn nên hàng hóa cũng ít.  Cách đây vài hôm giá bầu khoảng 8.000 -10.000 đồng/kg, giờ lấy vô là 15.000 – 16.000 đồng/kg, lên gần gấp đôi, sú mấy bữa lấy vô 8.000-10.000 đồng/kg, nay lên 12.000 đồng/kg”.

Không chỉ rau, quả, một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu như: dầu ăn, sữa cũng tăng nhẹ, cộng với giá xăng, gas cũng tăng mạnh khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu để đảm bảo chi phí sinh hoạt.

Bà Nguyễn Thị Hoa – người dân Tp.Pleiku  cũng nói: “Bây giờ giá cả tình hình dịch bệnh như thế này thì không làm ra tiền thì mình chi tiêu cho hợp lý thôi.  Giá thực phẩm lên thì mình chi tiêu bớt lại”.

Dự báo từ nay đến cuối năm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, để đảm bảo tiêu dùng, ổn định giá cả thị trường cho người dân, ngành Công thương Gia Lai tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa, đôn đốc và vận động các doanh nghiệp kinh doanh thực hiện tốt việc điều tiết hàng hóa, đảm bảo cung cầu, trong bối cảnh dịch Covid-19. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022./.

Lê Thư,  Phi Long


Lượt xem: 22

Trả lời