“Gia Lai – vùng đất nhiều hứa hẹn cho đầu tư phát triển nguồn năng lượng sạch” Kỳ IV: Phát triển điện gió và những kỳ vọng sự bứt phá về phát triển kinh tế – xã hội

Cập nhật 23/5/2021, 14:05:59

Một trong những nội dung quan trọng trong seri phóng sự “ Gia Lai – vùng đất nhiều hứa hẹn cho đầu tư phát triển nguồn năng lượng sạch” sẽ được đề cập trong kỳ IV, đó là những kỳ vọng sự bứt phá về phát triển kinh tế – xã hội. Thông qua các dự án năng lượng tái tạo, trong đó đặc biệt là điện gió không chỉ thu hút nguồn lực đầu tư lớn cho địa phương, mà qua đó còn tác động tích cực và bền vững đến nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội quan trọng khác như tăng thu đáng kể nguồn ngân sách địa phương, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động trong vùng dự án và một số vấn đề xã hội khác.

 

Năm 2021, một trong những chỉ tiêu kinh tế quan trọng mà tỉnh Gia Lai điều chỉnh với mức tăng cao hơn gấp đôi so với năm 2020, đó là tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt trên 70 ngàn tỷ đồng trong khi năm 2020 chỉ 30 ngàn tỷ đồng. Việc điều chỉnh này được cân đối, tính toán trên cơ sở các dự án đầu tư, trong đó có 16 dự án dự án điện gió đang được triển khai xây dựng. Chỉ tính riêng 16 dự án đang được triển khai xây dựng,tổng công suất 1.142 MW, Gia Lai thu hút được một nguồn lực đầu tư đáng kể với hơn 40 ngàn tỷ đồng, chưa kể một lĩnh vực đầu tư khác đang được triển khai sẽ góp phần tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh Gia Lai.

Ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư cho biết: “Tôi cho rằng năm nay là năm mà Gia Lai có sức bật. Năm 2019, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Gia Lai là 26 ngàn tỷ đồng. 2020 thông qua các dự án kêu gọi đầu tư đã giúp cho Gia Lai có bước phát triển mạnh, đạt 30 ngàn tỷ đồng. Năm 2021, các sở, ngành đã tham mưu cho UBND ra Nghị quyết phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 70 ngàn đồng, hơn gấp đôi năm 2020. Mục tiêu này dựa trên các cơ sở là:  Riêng các dự án điện gió đã nằm hơn 42 ngàn tỷ đồng, chưa nói đến các trạm điện. Trạm 500 KV mỗi trạm 700 – 800 tỷ đồng. Với cách làm như thế, tôi cho rằng chúng ta có cú hích rất lớn trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Tôi tin rằng các dự án sẽ về đích an toàn. Khi về đích an toàn cộng thêm nhiều yếu tố khác thì kết quả đầu tư tổng xã hội sẽ tăng, giải quyết công ăn việc làm, các chỉ tiêu kinh tế đã đặt ra sẽ hoàn thành và chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế mà tỉnh đặt ra trong năm nay là 8% sẽ đạt được dù dịch bệnh Covid và ảnh hưởng một số yếu tố khác nhưng hiệu quả mang lại sẽ giúp cho nền kinh tế có sự phát triển mạnh mẽ nhất”.

Với đặc thù là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như Gia Lai trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu chi đầu tư phát triển toàn xã hội, trong điều kiện như vậy thì nguồn lực thu hút đầu tư ngoài ngân sách có vai trò rất quan trọng để thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển. Và trên thực tế tại các địa bàn nơi đang có những dự án điện gió đầu tư, bước đầu đã ghi nhận được những tác động tích cực khi có sự góp mặt của các dự án. Nhiều tuyến giao thông nông thôn đã từng bước được nâng cấp, tu sửa vừa phục vụ cho hoạt động của dự án, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, phát triển giao thương cho Nhân dân trong vùng dự án.

Ông Hồ Quý Tri Thức – Phó Giám đốc Công ty Điện gió Ia Bang (huyện Chư Prông) cho biết: “Hiện nay con đường liên kết từ khu vực cao su về làng Nét trước đây toàn bộ là đường đất thì hiện nay công ty đã đổ lớp bê tông dày 25 phân, cấp phối đá dăm, được lu nền rất kỹ, con đường này khoảng 5 cây số. Đoạn giữa làng Anh và làng Nét kết nối hì công ty cũng tự bỏ tiền để làm. Con đường trong xã, sau này sẽ làm bằng hoặc tốt hơn hiện trạng. Ngoài ra, những khu đất nào dư sẽ cho dân làm thêm hoa màu để không để dư thừa phí”.

Tương tự, tại xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông) – nơi đang có hai dự án Nhà máy điện gió phát triển Miền Núi và Nhà máy điện gió Chế biến Tây Nguyên đầu tư xây dựng, dự kiến khi đưa vào vận hành, ngoài số tiền nộp ngân sách nhà nước mỗi năm hơn 125 tỷ đồng còn tham gia giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ và góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông trên địa bàn. Chính vì vậy, Nhân dân trong vùng dự án rất phấn khởi và ủng hộ việc triển khai xây dựng dự án.

Ông Võ Minh Dũng, Công nhân dự án Nhà máy điện gió phát triển Miền Núi cho biết: “Trước đây bà con làm nông là chính từ ngày có dự án cũng tạo công ăn việc làm, có thêm thu nhập. Bà con cảm thấy phấn khởi khi có thêm việc làm tăng thêm thu nhập. Trong điều kiện dịch bệnh có công ăn việc làm như vậy là bà con càng phấn khởi”.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Người dân xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông cho biết: “Điện gió về thì tôi cũng như bà con ở đây rất phấn khởi. Vì đường đây lịch sử là đường đất, công nhân, người dân đi lại rất là khó khăn.. Tôi hy vọng có đường, có điện gió, cơ sở hạ tầng phát triển, khách du lịch đến đông thì mình là người dân ở đây có những nông sản thì có cơ hội trao đổi mua bán nhiều hơn, đời sống sẽ tốt hơn”.

Ông Phạm Ngọc Trung, Người dân xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông nói: “Từ khi có điện gió về đây thì được có con đường tạo điều kiện cho bà con đi lại chăm sóc hái chè, cà phê, tạo công ăn việc làm cho bà con ở đây, đường xá  đi lại thuận lợi. Trước đây mùa nắng thì còn đi được còn mùa mưa bà con đi lại khó khăn. Vì vậy bà con rất ủng hộ và phấn khởi khi có con đường”.

Với một nguồn lợi lớn mang lại từ các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, một lần nữa khẳng định tỉnh Gia Lai đang có những định hướng đúng đắn về phát triển kinh tế – xã hội và phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ, biết tận dụng và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương một cách bền vững. Hiện nay, Gia Lai đang chờ đón những dòng điện gió đầu tiên trong năm nay, kết quả này sẽ tiếp tục ghi dấu sự thành công trong thu hút đầu tư để thực hiện khát vọng xây dựng tỉnh Gia Lai ngày càng phát triển vững mạnh với những đột phá về tăng trưởng kinh tế ngay trong năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Hồng Uyên; R’Piên

 

 


Lượt xem: 168

Trả lời