“Gia Lai – vùng đất nhiều hứa hẹn cho đầu tư phát triển nguồn năng lượng sạch”. Kỳ II: Các dự án điện gió đang triển khai phù hợp với quy hoạch

Cập nhật 21/5/2021, 17:05:39

Tiếp tục seri phóng sự “Gia Lai – vùng đất nhiều hứa hẹn cho đầu tư phát triển nguồn năng lượng sạch”, Trong kỳ II này chúng tôi sẽ đề cập đến tính đúng đắn trong định hướng phát triển của tỉnh Gia Lai nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về phát triển nguồn năng lượng tái tạo và điều này cũng hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 11.2.2020. Một trong những quan điểm của Nghị quyết 55 là phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.

Ngay sau khi Nghị quyết 55 được ban hành, chỉ sau hơn 1 tuần, ngày 20/2/2020, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế TW, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương đã chọn Gia Lai là điểm đến đầu tiên để thực hiện công tác quán triệt và triển khai Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự năng động của tỉnh Gia Lai trong công tác cải thiện môi trường đầu tư từ đó đã tạo nên làn sóng đầu tư vào tỉnh khai thác tiềm năng, thế mạnh về phát triển năng lượng tái tạo và khẳng định Gia Lai là một nút quan trọng của cả nước để truyền tải công suất.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 16 dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng và dự kiến sẽ đưa vào vận hành thương mại trong năm nay. Các dự án này đều nằm trong danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2020 – 2021, đồng thời đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào Quy hoạch điện VII sau khi được Bộ Công thương xem xét, thẩm định theo đúng quy trình thủ tục nghiêm ngặt. Điển hình như hai dự án Nhà máy điện gió phát triển Miền Núi và Nhà máy điện gió Chế biến Tây Nguyên đầu tư trên địa bàn xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, trước khi được bổ sung vào Quy hoạch điện VII, đồng chí Trần Tuấn Anh đã trực tiếp đi thị sát, đánh giá về tính khả thi của dự án này.

Điểm thuận lợi của hai dự án này là không thuộc diện giải tỏa đền bù, đồng thời sức gió mạnh, vượt so với tiêu chuẩn theo quy định, đồng thời phù hợp với Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện Chư Prông, không nằm trong quy hoạch đất rừng, không chồng lấn với các dự án đầu tư khác, không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng của địa phương. Như vậy đối với các dự án điện gió đã được phê duyệt và triển khai trên địa bàn Gia Lai, cũng như hai dự án điện gió nói trên là phù hợp với quy hoạch và đúng về trình tự pháp lý trong phê duyệt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia khai thác tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội của địa phương và hoàn toàn không có sự ưu ái nào như một vài dư luận đề cập trên truyền thông gần đây. Hiện nay hai dự án này đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo về đích đúng theo kế hoạch.

Ông Lê Bá Quốc Thắng, Đại diện chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió phát triển Miền Núi và Nhà máy điện gió Chế biến Tây Nguyên cho biết: “Tiến độ về cơ bản đảm bảo đúng theo kế hoạch, chúng tôi quyết tâm hoàn thành trước tháng 10 đế đưa vào vận hành. Vì thuận lợi trong GPMB nên chúng tôi triển khi cùng lúc các móng trụ, hiện nay cơ bản trụ bê tông đã hoàn thành phần thép và sau khi đổ bê tông xong sẽ lắp thiết bị. Hiện nay đã có 6 bộ thiết bị được cập Cảng Quy Nhơn và đã sẵn sàng cho việc vận chuyển về để lắp đặt”.

Không chỉ đảm bảo tính pháp lý, phù hợp với quy hoạch từ Trung ương đến địa phương, các dự án điện gió đang đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị.

 Ông Lê Quang Trường, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai cho biết: “Việc sử dụng năng lượng tái tạo là điều cần thiết để giảm áp lực khai thác nguồn tài nguyên đã cạn kiệt, giảm nhập khẩu, chủ động đáp ứng điện cho phát triển KT-XH. Sử dụng năng lượng tái tạo là sử dụng nguồn năng lượng sạch, ít ô nhiễm môi trường. Đó cũng là giải pháp tốt để cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đối với Gia Lai thì phát triển nguồn năng lượng tái tạo chính là tạo sự bứt phá”.

Theo đánh giá thì hiện nay dư địa phát triển nguồn năng lượng tái tạo của tỉnh Gia Lai còn rất lớn. Riêng về điện gió, hiện nay các dự án đang triển khai xây dựng mới chỉ khai thác được 20% tổng công suất.

Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Đối với công suất điện gió, có thể lắp đặt 11.900 MW. Đây là dư địa rất lớn. Kể cả quy hoạch điện 8 là trên 10 ngàn mê, nên phải nói rằng, so với tiềm năng thì chúng ta mới khai thác được xấp xỉ 20%, còn gần 80% nữa, nên đây là nguồn tiềm năng rất lớn để khai thác. Thực hiện Nghị quyết 55 về phát triển năng lượng, tỉnh đang có chỉ đạo sẽ khai thác có hiệu quả tiềm năng này, đưa Gia Lai trở thành trung tâm điện lực của quốc gia”.

Nhằm tiếp tục khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, một trong 4 chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt ra, đó là đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch. Với những kết quả bước đầu tỉnh Gia Lai đạt được trong thu hút đầu tư trong thời gian qua, đặc biệt là về lĩnh vực phát triển nguồn năng lượng tái tạo sẽ tạo hiệu ứng tích cực để Gia Lai tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư ở các lĩnh vực khác mà Gia Lai đang có tiềm năng, lợi thế lớn, phù hợp với chương trình hành động mà Nghị quyết  Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đặt ra.

Hồng Uyên  – Thanh Sáng


Lượt xem: 59

Trả lời