Gia Lai với công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.

Cập nhật 02/10/2013, 08:10:58

Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống là một trong những chủ trương được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai có hiệu quả trong nhiều năm qua. Cùng với việc lưu giữ được những nét đẹp của dân tộc mình, các hoạt động bảo tồn còn góp phần tăng cường xây dựng khối đoàn kết trong cộng đồng, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới. 

Già làng Rmah Phếp hướng dẫn chị em múa xoang theo nhịp cồng chiêng.

 

Cho dù là cao điểm của mùa vụ, người dân của 7 buôn Jrai, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa  vẫn sắp xếp công việc đồng áng để tranh thủ tham gia các buổi sinh hoạt cồng chiêng khi già làng  Rmah Phếp phát động. Việc duy trì đều đặn hoạt động trên đã giúp dân làng  hiểu biết hơn về việc cần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Là người luôn luôn coi trọng những gì tốt đẹp của cho ông để lại Già làng Rmah Phếp-Làng Rưng Manin, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa bộc bạch: “Chúng tôi phải bảo tồn phát huy cái bản sắc dân tộc, đặc biệt là cái di sản cồng chiêng. Muốn bảo tồn cái đó, chúng tôi phải truyền dạy và đào tạo cho lớp trẻ để giữ được bản sắc. Lớp trẻ phải đánh được cồng chiêng trong lễ hội đối với nam, còn nữ phải biết xoang, biết múa”.

Từ hơn 1 héc ta đất tự khai hoang, thanh niên làng T’nang, xã Yang Trung huyện Kông Chro đã xây dựng được công trình thanh niên. Đây vừa là sân chơi cho tuổi trẻ, vừa tạo được nguồn quỹ cho đoàn thanh niên hoạt động. Cũng từ nguồn quỹ tự gây dựng, Chi đoàn đã trang bị được một bộ cồng chiêng. Với họ, cồng chiêng không chỉ là văn hóa mà còn là phương tiện để tập hợp mọi người.Tâm sự với chúng tôi anh Trần Văn Nghĩa-Bí thư Đoàn xã Yang Trung- Huyện Kông Chro nói: “Hiện chúng tôi đã có gần đủ bộ chiêng rồi. Khi mà có đủ bộ chiêng, chỉ cần tiếng chiêng vang lên thì tất cả mọi người, kể cả già trẻ đều cùng đến để tham gia hoạt động của đoà”. 

Thanh niên xã Yang Trung, huyện Kông Chro tập luyện cồng chiêng. 

Cùng với việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, những hủ tục lạc hậu trong đời sống của cộng đồng cũng đã được đẩy lùi. Quan trọng hơn, thông qua các hoạt động văn hóa, những kinh nghiệm trong sản xuất, nuôi dạy con cái hay xây dựng buôn, làng được bà con cùng nhau trao đổi. Nhờ đó, cuộc sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng ổn định hơn.

Ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết: “Việc bảo tồn văn hóa một mặt góp phần làm cho đời sống văn hóa của đồng bào ở cơ sở được định hướng rõ ràng hơn. Từ đó đã có tác động đến một số địa phương hạn chế được nạn chảy máu cồng chiêng, khơi dậy niềm tự hào, niềm say mê văn hóa truyền thống.

Bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, qua đó góp phần làm thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân trong cộng đồng các dân tộc thiểu số đối với việc xây dựng cuộc sống mới tại tỉnh Gia Lai đã đem lại kết quả. Đây cũng là động lực thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương trên địa bàn tỉnh./.

Kim Dung


Lượt xem: 66

Trả lời