Gia Lai triển khai quyết liệt các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông những tháng còn lại của năm 2021

Cập nhật 19/7/2021, 17:07:15

6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh Gia Lai xảy ra 171 vụ tai nạn giao thông, làm chết 127 người, bị thương 135 người. So với cùng kỳ năm 2020, tai nạn giao thông tăng 2 vụ, tăng 4 người chết và giảm 18 người bị thương. Đặc biệt trong đó gần 50% số vụ và số người chết vì tai nạn giao thông có liên quan đến người dân tộc thiểu số. Một số địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng cao từ 40% trở lên gồm thành phố Pleiku, các huyện: Đak Pơ, Đak Đoa, Kbang, Chư Pưh và Mang Yang. Để thực hiện mục tiêu năm 2021 kéo giảm từ 5% trở lên cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông so với năm 2020, nhiều giải pháp trọng tâm đang được cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh triển khai với quyết tâm cao nhất.

Tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 vừa được UBND tỉnh tổ chức; đồng chí Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh đề nghị: Các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, triển khai đồng bộ các giảm pháp căn cơ nhằm kiềm chế tai nạn giao thông những tháng còn lại của năm 2021. Đặc biệt phải sớm kiện toàn lại Ban An toàn giao thông cấp huyện, cấp xã và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nhằm chung tay thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Đồng chí Võ Ngọc Thành Gia Lai nêu: “Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xem đây là một vấn đề lớn. Sử dụng các biện pháp xử lý đủ sức răn đe và phải có sự phối hợp rất chặt giữa các lực lượng, cả tỉnh, huyện, xã. Sử dụng các biện pháp công nghệ ở các đô thị, khu đô thị, ở các trục đường quan trọng ( quốc lộ, tỉnh lộ) và các điểm đen tại các huyện thì tôi đề nghị phân cấp cái nào của tỉnh, cái nào của huyện. Tôi cũng đề nghị Sở Giao thông vận tải các đồng chí chủ trì và phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông, Công an tỉnh để nghiên cứu giải pháp này và tôi đề nghị là phải làm sớm”.

Qua phân tích, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông chủ yếu bắt nguồn từ hành vi vi phạm các lỗi: tốc độ, lấn đường, không chú ý quan sát; tập trung ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nhất là thanh thiếu niên dân tộc thiểu số điều khiển xe mô tô gây tai nạn. Hiện tại, lực lượng công an từ tỉnh đến xã đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương lồng ghép, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận cơ sở dưới nhiều hình thức. Đồng thời rà soát, lập danh sách và tiến hành giáo dục, gọi hỏi răn đe cá biệt, cho ký cam kết đối với các thanh thiếu niên dân tộc thiểu số thường xuyên có biểu hiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Anh Rmah Phước – Làng Plei A Min, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện chia sẻ: “Bản thân trước đây hay chạy xe phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm. Giờ được lực lượng công an tuyên truyền, cho ký cam kết thì bản thân sau này sẽ chấp hành tốt. Khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm, không phóng nhanh vượt ẩu, không sử dụng rượu bia… để phòng ngừa tai nạn”.

Bà Nguyễn Thị Thúy Loan – Chủ tịch UBND xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ cho biết: “Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nhất là từng đồng chí cấp ủy phụ trách ở từng thôn, làng nêu cao tinh thần, trách nhiệm và tăng cường bám thôn, bám làng để hướng dẫn, tuyên truyền bà con nhân dân chấp hành tốt về Luật Giao thông đường bộ và khi tham giao giao thông phải chấp hành tốt các quy định”.

Song song với đó, hiện nay lực lượng Công an trên địa tỉnh đang huy động tối đa lực lượng, triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác tuần tra kiểm soát. Đặc biệt tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm kiềm chế tai nạn giao thông.

Trung tá Nguyễn Minh Tuấn – Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 1, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Gia Lai cho biết: “Tăng cường làm vào các khung giờ cao điểm từ 17h đến 22h thì chúng tôi đều đẩy cao lực lượng, phương tiện để tuần tra kiểm soát. Tập trung xử lý các lỗi như là nồng độ cồn, chạy quá tốc độ quy định…, đó là các lỗi tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao”.

Với sự vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp từ tỉnh đến tận cơ sở; tin tưởng rằng năm 2021, Gia Lai sẽ kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí so với năm 2020.

Đoàn Bình, Thanh Sáng


Lượt xem: 8

Trả lời