Gia Lai tiềm năng và cơ hội đầu tư.

Cập nhật 02/12/2016, 14:12:16

Theo kế hoạch vào trung tuần Tháng 12, tỉnh Gia Lai sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016. Để quý vị và các bạn có cái nhìn tổng quát về tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh và những kết quả đạt được cũng như những lĩnh vực mà tỉnh Gia Lai tiếp tục mời gọi đầu tư Đài PTTH Gia Lai xin giới thiệu Phóng sự : Gia Lai tiềm năng và cơ hội đầu tư. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi:

2-12-gia-lai

Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, Gia Lai có diện tích tự nhiên hơn 15 ngàn km2 và ở vị trí thuận lợi về giao thông với các trục quốc lộ: Đường Hồ Chí Minh nối Đà Nẵng với các tỉnh Tây Nguyên; Quốc lộ 14 nối Gia Lai với các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh; Quốc lộ 19 nối tỉnh Gia Lai với cảng nước sâu Quy Nhơn với  gần 3 giờ đường bộ và cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, biên giới Campuchia với hơn 1 giờ đường bộ. Quốc lộ 25 nối Gia Lai với tỉnh Phú Yên và duyên hải Nam Trung bộ; Đường Đông Trường Sơn  từ tỉnh Quảng Nam qua Gia Lai và đến  Đà Lạt.

Đặc biệt Gia Lai có Cảng hàng không cách trung tâm TP Pleiku chỉ 7km, với đường băng có thể đón các máy bay hiện đại hạ và cất cánh. Mỗi ngày Cảng hàng không Pleiku có hơn 20 chuyến bay đến và đi Đà Nẵng-Hà Nội-TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vinh.

Gia Lai là tỉnh thuộc trung tâm tam giác phát triển  3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Gia Lai có 34 dân tộc anh em  sinh sống với dân số  hơn 1,4 triệu người.  Là đầu nguồn của nhiều hệ thống sông chảy xuống vùng Duyên Hải và lưu vực sông Mê Kông, Gia Lai sở hữu những dòng thác hùng vỹ, nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú.  Nơi đây còn được biết đến với nhiều địa danh nổi tiếng như hồ Tơ Nưng, núi Chư H’Rông đi vào huyền thoại. Vườn Quốc gia Kon Ka King-di sản Asian,  Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng với những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, với vô số các loài động thực vật đặc hữu.

Gia Lai còn là nơi sản sinh và lưu giữ những nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mà nổi bật nhất là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh  là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Gia Lai, giàu tiềm năng đầy sức sống, là thủ phủ của cây công nghiệp có giá trị cao như hồ tiêu, cà phê, cao su…

Với tiềm năng đất đai rộng lớn, thổ nhưỡng phì nhiêu, khí hậu ôn hòa, cùng với vị trí địa lý thuận lợi, giao thông đi lại dễ dàng, tỉnh Gia Lai đang có những cơ chế thông thoáng thu hút kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, nhằm đánh thức và khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Những năm qua, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Gia Lai đạt được nhiều kết quả rất ấn tượng. Giai đoạn 2011- 2015, đạt 7,44% năm, tăng trưởng cao được duy trì trong nhiều năm đã đưa quy mô GDP của tỉnh lên gấp 1,8 lần sau 5 năm. Năm 2016, tăng trưởng GDP bình quân 7,48%, bình quân thu nhập đầu người đạt 38,2 triệu đồng/ năm.

Tuy nhiên Gia Lai còn rất nhiều tiềm năng và lợi thế trên mọi lĩnh vực chưa được khai thác, đang chào đón các nhà đầu tư đến làm ăn để cùng phát triển.
Lợi thế phát triển ngành nông nghiệp công nghiệp
Lợi thế phát triển ngành nông lâm nghiệp, công nghiệp  chế biến.

Gia Lai là tỉnh miền núi, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên trên 15 ngàn km2, là địa phương có diện tích lớn thứ 2 so với cả nước. Với lợi thế đất đai rộng lớn, khí hậu ôn hòa phù hợp với đa dạng cây trồng và vật nuôi, nhất là phát triển cây công nghiệp dài ngày, kinh doanh tổng hợp nông lâm và chăn nuôi đại gia súc, gia cầm và thủy sản. Gia Lai có trên 1,4 triệu ha đất nông nghiệp, hiện nay diện tích canh tác mới chỉ hơn 1/3 tổng diện tích (trên 511 ngàn ha) dư địa đất nông nghiệp còn rất nhiều, đây là tiềm năng rất lớn về lợi thế phát triển lâu dài trong nền nông  nghiệp sinh học cao và công nghiệp chế biến nông lâm sản.

Hằng năm sản lượng cây trồng vật nuôi trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Hiện nay sản lựơng cà phê nhân đạt trên 200 ngàn tấn, cao su trên 85 ngàn tấn mủ khô, hồ tiêu trên 49 ngàn tấn, mía 2.430.000 tấn ?, sắn 1.207 ngàn tấn; thịt trâu, bò hơi gần 20 ngàn tấn, thịt heo hơi 42 ngàn tấn, thủy sản 2.500 tấn. Tuy nhiên, nền công nghiệp chế biến sâu còn rất hạn chế, tỷ lệ cà phê chế biến mới chỉ đạt 2%, tiêu mới chỉ đạt 5%, chế biến cao su mới dừng lại ở công đoạn sơ chế mủ thô. Với sản phẩm nông nghiệp ngày càng gia tăng về sản lượng, Gia Lai đang mở ra triển vọng thu hút các nhà đầu tư về lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản chất lượng cao.

Điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở Gia Lai khá phù hợp cho việc phát triển diện tích đồng cỏ phục vụ chăn nuôi, đặc biệt là phát triển đàn gia súc, gia cầm. Hiện đàn trâu, bò, heo trên địa bàn phát triển mạnh. Cùng với đó các sản phẩm từ nghành nông nghiệp cung cấp một lượng thức ăn dồi dào và phong phú, là điều kiện thuận lợi tốt để các doanh nghiệp lựa chọn đầu tư vào chăn nuôi đại gia súc với quy mô công nghiệp, gắn với xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, chế biến súc sản, thuộc da… và phát triển các loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, Gia Lai có rất nhiều ao hồ sông suối, diện tích mặt nước rất lớn (trên 14 ngàn ha), thuận lợi cho việc nuôi trồng và khai thác thủy sản…

Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Gia Lai vùng đất rộng lớn, thổ nhưỡng phì nhiêu, thời tiết ôn hòa quanh năm, phù hợp với tất cả các loại cây trồng trên mọi miền đất nước và chăn nuôi các loại giống gia súc, gia cầm và thủy sản, đây là lợi thế mà ít có địa phương nào sánh được, rất đáng để các nhà đầu tư quan tâm đến đây nghiên cứu đầu tư.

Tài nguyên khoáng sản và công nghiệp điện năng

Là tỉnh vùng núi, Gia Lai có diện tích rừng rộng lớn với đa dạng chủng loại động thực vật. Toàn tỉnh hiện có trên 800 ngàn ha đất lâm nghiệp với nhiều loại gỗ quý như Sưa, Trắc, Hương, Cẩm lai, Cà te…. và các loại gỗ có giá trị cao. Hiện nay tỷ lệ rừng che phủ dưới 50%, diện tích đất lâm nghiệp đang còn khá rộng lớn, với hàng trăm ngàn ha đất phù hợp cho việc trồng cây nguyên liệu giấy và phát triển nhân rộng các loại cây dược liệu quý….

Gia Lai có nguồn khóang sản đa dạng và rất phong phú, trong đó nhiều loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao như :  Quặng bô xít, Vàng sa khoáng, Các khoáng sản khác như: Đá Granit, Đá vôi, Đất Sét, Cát vôi xây dựng….Nhưng hiện tại ngành công nghiệp khai khoáng ở Gia Lai hầu như chưa có gì, chỉ mới khai thác một ít lượng đá Granit và gạch nung. Đây là cơ hội cho các nhà doanh nghiệp đầu tư vào ngành khai thác khoáng sản công nghệ cao.

Ngành Công nghiệp điện năng tỉnh Gia Lai trong thời gian qua phát triển mạnh. Gia Lai được nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng một số nhà máy thủy điện lớn như: Thủy điện Ia Ly, Sê San 3, Sê San 3a…  hằng năm  cung cấp hàng chục tỷ KWh. Cùng với các thủy điện lớn, Gia Lai còn có nhiều công trình thủy điện vừa và nhỏ, nhà máy nhiệt điện, rải đều khắp ở các địa phương trong tỉnh, cung cấp đầy đủ lượng điện phục vụ cho nhu cầu dịch vụ công nghiệp và  sản xuất. Đây là lợi thế thuận lợi về nguồn năng lượng phục vụ cho doanh nghiệp khi tham gia đầu tư ở bất kỳ địa phương nào trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Khu công nghiệp, Khu kinh tế

Năm 2006, tỉnh Gia Lai được Chính phủ cho phép quy hoạch Khu CN Trà Đa với diện tích 110 ha, đã thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư và đạt hiệu quả cao. Năm 2016, Chính phủ cho mở rộng diện tích Khu CN Trà Đa với tổng quy hoạch lên 197,8 ha. Khu CN Trà Đa nằm trên vùng đất bằng phẳng, vị trí giao thông thuận lợi, diện tích quy hoạch  khu công nghiệpTrà Đa còn rất nhiều, là cơ hội tốt để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến hợp tác làm ăn.

Cùng với đó, năm 2016, Chính phủ đã cho Gia Lai quy hoạch thêm Khu Công nghiệp Nam Pleiku với diện tích 199ha. Nằm bên quốc lộ 14 thông suốt về giao thông đến tận các tỉnh phía Nam, hiện nay Khu Công nghiệp Nam Pleiku đã được san ủi, giải tỏa mặt bằng rộng và bằng phẳng. Khu Công nghiệp Nam Pleiku đang mở rộng cửa chào đón các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào đa lĩnh vực, đa ngành nghề.

Ngoài ra, tỉnh Gia Lai còn có các Cụm công nghiệp ở các địa bàn thành phố Pleiku,  thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, huyện Chư Sê, Chư Pah… là những địa điểm thuận lợi nhiều mặt cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án. Một điểm thuận lợi nữa, đó là Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh- Đức Cơ với diện tích 110 ha và mở rộng lên 210 ha vào năm 2020. Hiện tỉnh đã đầu tư phát triển hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng và giao thương buôn bán, với mục tiêu phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh trở thành điểm trung chuyển hàng hóa, khách du lịch, kết nối giao thương với tỉnh bạn CamPu Chia và các nước trong khu vực. Song song đó, với cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum chỉ cách Pleiku khoảng 2 giờ đường bộ rất thuận lợi giao thương quốc tế, tạo cho Gia Lai thành tâm điểm Khu vực Tam giác phát triển Việt Nam- Lào –CamPuChia và mở ra các hoạt động giao thương với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tiềm năng Phát triển du lịch

Tiềm năng về du lịch tỉnh Gia Lai khá đa dạng và phong phú mang những nét đặc sắc riêng vùng miền nhưng chưa được đầu tư khai thác đúng mức. Nổi bật là tài nguyên du lịch tự nhiên với hệ sinh thái đa dạng, rừng nguyên sinh, hệ thống các thác nước, hồ tự nhiên và nhân tạo; ẩm thực vùng miền cùng với những công trình di tích lịch sử – văn hóa nổi tiếng.

2-12-gia-lai3

Gia Lai có thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái với nhiều danh lam thắng cảnh như: Thác Za Ly, Biển Hồ hay còn gọi là Hồ Tơnưng, hồ Ayun Hạ, thác Phú Cường, thác Chín Tầng, thác Ia Nhí, thác Ya Ma, thác Lệ Kim, đồi thông Hà Tam, vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng…

Du lịch văn hóa, lịch sử với nhiều địa danh nổi tiếng đi vào sử sách như: Pleime, Cheo Reo, Nhà lao Pleiku, Khu di tích Tây Sơn thượng đạo (di tích căn cứ địa của Anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ), làng kháng chiến Stơr (quê hương của Anh hùng Núp)… Và mới đây là di tích khảo cổ Rộc Tưng ở thị xã An Khê, với nhiều đồ đá vừa mới được phát hiện, có niên đại trên dưới 80 vạn năm, làm sửng sốt giới khảo cổ quốc tế. Với lợi thế du lịch gắn với vùng miền, khu di tích Tây Sơn thượng đạo Gia Lai chỉ cách khu di tích Tây Sơn Hạ đạo Bình Định gần 1 giờ đừơng bộ, cùng với các di tích lịch sử các tỉnh lân cận, hòa cùng với những danh lam thắng cảnh sinh thái, tạo nên chuỗi liên kết du lịch khá hấp dẫn từ biển xanh, hoa vàng, đến đại ngàn Tây Nguyên.

Những năm gần đây, Gia Lai được đầu tư xây dựng nhiều ngôi chùa lớn và nổi tiếng, mang nét kiến trúc độc đáo như: Chùa Minh Thành, Chùa Biển Hồ, Thiền Viện Trúc Lâm, Đền thờ các Vua Hùng ở Công viên Đồng Xanh và các nhà thờ  thuộc nhiều tôn giáo khác nhau. Các nơi thờ tự nằm ở vùng tâm điểm cùng với các địa danh nổi tiếng gần kề nên rất thuận lợi để phát triển ngành du lịch tâm linh.

Gia Lai có 34 dân tộc anh em cùng chung sống với những làng mạc mang nhiều bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng..  cùng với những ẩm thực nổi tiếng như cơm lam, rượu cần, gà nướng. Các lễ hội dân gian đặc sắc của những dân tộc cư trú lâu đời tại Gia Lai (Lễ bỏ mả, lễ mừng chiến thắng, lễ mừng được mùa…) và không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Các tài nguyên du lịch nhân văn như: Kiến trúc nhà Rông, nghệ thuật điêu khắc gỗ, âm nhạc, vũ điệu dân gian… là những tài nguyên du lịch quý giá được du khách trong nước và quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đây là lợi thế rất quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng.

Với đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên, Gia Lai là địa phương có nhiều miệng núi lửa từ lâu đời. Những miệng núi lửa hình thành nên địa danh nổi tiếng thu hút sự tìm hiểu của du khách phương xa. Đỉnh Hàm Rồng với độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển. Ở đây du khách có thể phóng tầm mắt nhìn xa bao quát cả trung tâm TP.Pleiku và các vùng lân cận. Núi lửa Chư Đăng Za, với những triền dốc thăm thẳm, cây cối đa dạng, những trảng dã quỳ vàng miên man trong nắng tạo nên một vùng thảm sắc màu đa dạng thu hút đông đảo khách đến tham quan, chụp ảnh lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Thung lũng làng Plei ốp và Công viên Văn hóa các dân tộc Tây Nguyên Gia Lai với đa dạng màu sắc   cao nguyên …

Gia Lai được tạo hóa ban tặng tiềm năng du lịch đa dạng phong phú, nhưng hiện nay ngành du lịch phát triển còn chậm, các cơ sở du lịch còn hạn chế, nhiều tiềm năng du lịch  chưa được khai thác. Gia Lai đang có nhiều cơ chế thông thoáng đẩy mạnh thu hút kêu gọi các nhà doanh nghiệp đầu tư vào các dịch vụ du lịch đa lĩnh vực, nhằm đánh thức tiềm năng du lịch sẵn có của vùng đất với những phong cảnh kỳ thú.

Song hành với các điểm du lịch, Gia Lai cũng chú trọng xây dựng các khu lưu trú phục vụ du khách. TP.Pleiku đã đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, quy hoạch xây dựng dự án đường Nguyễn văn Linh, nâng cấp suối Hội phú; cải thiện các lòng đường vỉa hè tạo hè thông lề thoáng; nhiều nhà đầu tư đã xây dựng mới thêm nhiều nhà hàng khách sạn lớn, tuy nhiên sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu với việc phát triển hiện nay. Gia Lai tiếp tục kêu gọi chào đón các nhà đầu tư vào hệ thống dịch vụ lưu trú và ăn nghỉ quy mô lớn, chất lượng cao nhằm phục vụ nhu cầu khách du lịch trong tương lai…

Gia Lai đang hướng tới xây dựng thành phố Pleiku là thành phố du lịch chăm sóc sức khoẻ là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, du khách thập phương đến với Gia Lai. Gần đây  Chính phủ đã cho Gia Lai quy hoạch triển khai xây dựng sân Gold ở Đăk Đoa, nằm trên trục quốc lộ 19, thuận tiện giao thông và chỉ cách sân bay Pkleiku 15 phút đường bộ. Sân Gold có kiến trúc hiện đại với diện tích 198ha, cùng với khu phức hợp về nhà hàng , khách sạn, công viên phục vụ du khách vui chơi giải trí. Cùng với đó dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng được nâng cao, Bệnh Viện Y Dược Hoàng Anh Gia Lai với chất lượng cao phục vụ khám và điều trị cho nhân dân tỉnh Gia Lai và các tỉnh lân cận…. Gia Lai cũng đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực y tế, nhằm chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được tốt hơn.

Nguồn nhân lực và lao động.

Gia Lai với dân số trên 1,4 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao. Gia Lai đã mở rộng các cơ sở đào tạo dạy nghề cho công  nhân lành nghề và lao động nông thôn, hằng năm có hàng chục ngàn lao động được qua đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu phục vụ cho các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Cùng với đó hình thành các phân viện đại học như: Phân viện Đại học Nông Lâm TP.HCM tại Gia Lai, Đại học Đông Á, các trường học chất lượng cao, nhằm đào tạo nguồn nhân lực tại chổ cho địa phương. Tuy nhiên, hiện nay các trường Đại học chưa nhiều, Đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục với quy mô giáo dục hiện đại và đa ngành nghề đào tạo.…

Kết quả thu hút đầu tư

Một trong những yếu tố quan trọng và thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại Gia Lai đó là hệ thống giao thông rất thuận lợi. Gia Lai có các trục quốc lộ huyết mạch như quốc lộ 14, 19, 25, đường Đông Trường Sơn  thuận lợi cho giao thương với các tỉnh thành lân cận. Các cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh- Gia Lai,  Bờ Y-Kon Tum kết nối giao thương với nước bạn CamPuChia và Lào.  Cảng hàng không Pleiku mở rộng và nâng cấp đường bay cất và hạ cánh, đón các máy bay tầm hiện đại đến và đi các tỉnh thành trong nước . Giao thông đường bộ thông suốt, từ Gia Lai đến Cảng biển nước sâu Quy Nhơn gần 3 giờ đồng hồ, thuận lợi cho việc xuất và nhập khẩu các sản phẩm vận chuyển qua đường biển. Với tiềm năng thế mạnh và cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của địa phương, thời gian qua nhiều nhà đàu tư đến đầu tư và đã thu lại hiệu quả cao. Tuy nhiên Gia lai đang còn rất nhiều tiềm năng trên các lĩnh vực để thu hút đầu tư.
Ông Hồ Phước Thành- Giám Đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết: “Với chính sách thông thoáng thu hút đầu của tỉnh, Sở kế hoạch đã tham mưu cho tỉnh hoạch định các chính sách và đã thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia và đạt hiệu quả. Trong thời gian qua, đã có 66 dự án đầu tư với nguồn vốn trên 22 ngàn tỷ đồng. Với con số này thì còn rất nhỏ so với tiềm năng vốn có của Gia Lai. Gia Lai dư địa trên các lĩnh vực còn rất nhiều đặc biệt là có thế mạnh để thu hút sản xuất nông nghiệp công nghệ sinh học, công nghiệp chế biến nông lâm sản; du lịch dịch vụ. Là đơn vị tham mưu cho tỉnh, chúng tôi đã phối hợp cùng các sở ngành liên quan, giảm bớt các thủ tục giấy tờ không cần thiết giải quyết nhanh chóng cho các nhà đầu tư khi đến tham gia đầu tư vào các dự án trong thời gian đến”.
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, cùng với sự quyết tâm cải cách hàng chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, với các cơ chế, chính sách thiết thực, hiệu quả… Gia Lai tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến kêu gọi, thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông-lâm nghiệp chất lượng cao; ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học vào sản xuất, với các dự án chế biến sâu các loại cây công nghiệp và sản phẩm chủ lực của tỉnh, du lịch và hệ thống nhà hàng khách sạn. Gia Lai sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Đức Hoàng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định: “Chúng tôi cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào Gia Lai. Khi nhà đầu tư vào Gia Lai chúng tôi sẽ có nhiều chính sách ưu đãi, đặc biệt là sẽ tạo điều kiện tốt nhất về cải cách thủ tục hành chính giấy tờ hồ sơ, đảm bảo nhanh nhất và tiện lợi nhất để nhà đầu tư triển khai thực hiện công việc của mình. Chúng tôi luôn rộng mở và kêu gọi các nhà đầu tư vào Gia Lai”.

Gia Lai vùng đất rộng lớn, thổ nhưỡng phì nhiêu, thời tiết khí hậu ôn hòa, dư địa trên các lĩnh vực còn rất nhiều, thuận lợi cho việc phát triển đa lĩnh vực, đa ngành nghề nhưng chưa được khai thác, đồng thời tỉnh đang có nhiều cơ chế thống thoáng, đó là những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến chọn lựa các ngành nghề phù hợp để đầu tư.  Gia Lai luôn rộng mở chào đón các nhà đầu tư trong nước và quốc tế….

Đài PTTH Gia Lai


Lượt xem: 3141

Trả lời