Gia Lai tập trung đầu tư phát triển cây dược liệu.

Cập nhật 03/9/2019, 15:09:17

Với diện tích tự nhiên rộng lớn, điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng thuận lợi để trồng, phát triển cây dược liệu, tỉnh Gia Lai đã và đang kêu gọi các doanh nghiệp tham gia dự án đầu tư vào sản xuất kinh doanh dược liệu, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia Lai hiện có hàng trăm loại thảo dược quý hiếm như: nấm linh chi, nấm cổ cò, lan kim tuyến, sa nhân… rất được thị trường ưa chuộng. Cây dược liệu chủ yếu mọc dưới tán rừng, dựa vào sự phân bố này, một số địa phương có quy hoạch vùng trồng, xác định chủng loại nhằm đảm bảo sự phát triển sinh trưởng. Với lợi thế diện tích rừng trên 500.000ha, thời tiết khí hậu thuận lợi, phù hợp cho việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu, Gia Lai đã quy hoạch vùng sản xuất cây dược liệu gắn với các mô hình sản xuất, khoanh nuôi dược liệu dưới tán rừng; sản xuất dược liệu trên nương rẫy và một số điểm sản xuất tập trung. Hiện nay, nông dân trên địa bàn toàn tỉnh đã trồng được trên 1.000 ha cây dược liệu, trong đó huyện K.Bang là địa phương có nhiều chủng loại dược liệu quý.

Anh Đinh Huyn- Xã Đăk Rong, huyện K.Bang, Gia Lai cho biết: “Tôi cùng dân làng ở đây trồng cây sa nhân do Trung tâm Khuyến nông huyện cấp giống và hỗ trợ kỹ thuật. Chúng tôi trồng ở phần đất chung của làng, cây phát triển tốt vì nhờ có tán cây che bóng mát. Cây sa nhân đã cho thu hoạch và hy vọng những năm tới sẽ tiếp tục được thu nhiều hơn nữa”.

Ông Bùi Trọng Lượng – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ  Nông nghiệp huyện K.Bang, Gia Lai cho biết: “Cây dược liệu phù hợp với vùng đất nên dễ trồng, chủ yếu là chăm sóc ban đầu lúc mới trồng thôi, sau đó thì cây phát triển vì chịu hạn tốt. Loại cây này phù hợp với canh tác của bà con địa phương, tận dụng được vùng đất đồi, trồng dưới tán cây rừng. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện mở rộng cho người dân nhân rộng và trồng thêm một số loại cây dược liệu khác nữa”.

Cùng với huyện K.Bang thì một số địa phương khác như Đăk Pơ, Đăk Đoa, Chư Prông, Chư Pưh và Chư Sê….cây dược liệu cũng đang được nông dân phát triển mở rộng diện tích.

Ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng Phòng NN & PTNT huyện Chư Sê, Gia Lai  cho biết: “Trên cơ sở dự báo tiềm năng, thị trường và liên kết để phát triển, định hướng đến năm 2025 huyện sẽ phát triển từ 350 đến 500 ha cây dược liệu.  Huyện hỗ trợ nông dân sản xuất chủ yếu là cây giống, kỹ thuật và thiết bị tưới bằng công nghệ cao. Bên cạnh đó là kêu gọi doanh nghiệp, HTX đầu tư trang thiết bị trong sản xuất giống, sản xuất chế biến các loại dược liệu. Doanh nghiệp hỗ trợ người dân đầu vào, quá trình sản xuất, sơ chế và bảo quản dược liệu”.

Theo quy hoạch phát triển cây dược liệu giai đoạn 2018-2020, tỉnh Gia Lai sẽ tập trung đầu tư phát triển hơn 2.434 ha và đến 2030 sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng lên hơn 4.150 ha. Để xây dựng và phát triển cây dược liệu đạt hiệu quả, tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các sở, ban, ngành triển khai thực hiện các quy định, cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư, các hộ dân phát triển. Đồng thời, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu, triển khai thực hiện các đề tài, dự án… liên quan đến phát triển sản xuất cây dược liệu. Cùng với đó, tỉnh Gia Lai sẽ xây dựng 1 vườn bảo tồn và phát triển cây dược liệu, đây là nơi tập trung bảo tồn và trồng mới nhiều loài cây dược liệu được thu thập ở các địa phương khác nhau, đại diện cho vùng khí hậu đặc trưng để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển dược liệu./.

Ngọc Ánh,Thanh Sáng


Lượt xem: 763

Trả lời