Gia Lai tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nông thôn mới

Cập nhật 22/10/2016, 20:10:05

Diện mạo vùng nông thôn từng bước khởi sắc và đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai ngày một nâng lên… đây là đánh giá của hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và triển khai chương trình giai đoạn 2016-2020 được UBND tỉnh Gia Lai tổ chức vào sáng nay 21/10 tại Hội trường 2/9 – thành phố Pleiku. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu có thêm 59 xã về đích Nông thôn mới trong 5 năm tới, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cũng như sự chung sức đồng lòng của nhân dân. Dự, chủ trì hội nghị có Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

22-10-ntm

Sau 5 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (giai đoạn 2011-2016), đến nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có 21 xã đạt 19/19 tiêu chí; 24 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; 68 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 70 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí và chỉ có 1 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Kết quả này được xem là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh…. Bởi trong điều kiện thực tế hiện nay, không ít các địa phương dù có điểm xuất phát thấp nhưng đã biết vận dụng linh hoạt các giải pháp và coi người dân là chủ thể để có sự quan tâm, đầu tư phù hợp, sát với điều kiện thực tiễn tại cơ sở để vươn lên hoàn thành các tiêu chí….
Ông Nguyễn Trường – Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ cho biết: “Chúng tôi xác định đây là chương trình mà đặt người dân ở vị trí trung tâm, do đó mọi vấn đề triển khai thực hiện chương trình thì người dân phải biết, phải bàn, phải làm và phải giám sát kiểm tra. Do đó chúng tôi xác định công tác tuyên truyền vận động, định hướng cho người dân là hết sức quan trọng. Đây là chương trình suy cho cùng là triển khai công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực nông thôn. Do đó trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thì tập trung ứng dụng KHKT và tập trung hướng dẫn cho người dân thực hiện bảo đảm quản lý sản xuất, quy mô sản xuất, ứng dụng KT cho phù hợp để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi”….

Cũng cần phải nhìn nhận, trong 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước hơn 3,9 nghìn tỷ đồng thì nhân dân, các doanh nghiệp cũng đã chung sức, huy động được hơn 14,2 nghìn tỷ đồng. Từ đó cho thấy làn gió mới đang từng ngày được nhân rộng và thu hút sự hưởng ứng của toàn xã hội.

Ông  Nguyễn Hoàng Phước – Trưởng phòng Đầu tư nguyên liệu, Nhà máy đường An Khê nói: Chung sức xây dựng Nông thôn mới của Nhà máy đường An Khê trong giai đoạn vừa qua và thời gian tới thì thứ nhất là tạo công ăn việc làm, ứng dụng KHKT trực tiếp cho người trồng mía, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số, để xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu. Thứ 2 là giúp cho chính quyền địa phương, các xã có vùng nguyên liệu mía thì tùy theo năng lực của nhà máy thì cũng góp một phần công sức để thực hiện an sinh xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng.

22-10-ntm-2

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã ghi nhận những kết quả đạt được của các cấp ngành, chính quyền các địa phương và nhân dân các dân tộc của tỉnh chung sức thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; đồng chí cũng đã chỉ ra 4 tồn tại, hạn chế, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị nhằm chung tay cùng khắc phục. Đó là tại nhiều nơi vẫn còn chạy theo bệnh thành tích, chưa hướng tới chủ thể là người dân hưởng lợi và chưa có giải pháp giúp người dân thoát nghèo bền vững. Một số địa phương còn thụ động, trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước, thiếu sự quan tâm củng cố mà bỏ ngỏ các tiêu chí đạt được. Ngoài ra việc lồng ghép các chương trình mục tiêu còn nhiều lúng túng, bất cập. Khâu kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng đối với thực hiện chương trình còn buông lỏng. Để khắc phục những khuyết điểm này nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn 5 năm tới, đồng chí Võ Ngọc Thành đề nghị các cấp ngành từ tỉnh đến cơ sở cần phải có sự chuyển biến về nhận thức, xem xây dựng Nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị của cả nhiệm kỳ. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động phải xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp chặt chẽ, chủ động lồng ghép nhiều nguồn lực, không trông chờ vào cấp trên mà phải phát huy được nội lực từ chính cán bộ, đảng viên và từ phía nhân dân. Đồng thời phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền và củng cố ban chỉ đạo các cấp để cùng chung tay thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới.

Đồng chí Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Phải xem xây dựng Nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị mà cả nhiệm kỳ này chúng ta phải làm cho bằng được để hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước chúng ta, xây dựng xã hội ngày một phát triển. Trong đó có xây dựng Nông thôn mới để đời sống người dân ngày một nâng lên. Chúng ta tập trung thành chương trình hành động cụ thể và phải chuyển hóa cho được nhận thức này, phải tạo ra sự quan tâm hết sức đồng bộ, chú trọng công tác tuyên truyền và lôi kéo các ngành các cấp vào; phải tạo ra sự hưởng ứng của toàn xã hội vào việc tham gia xây dựng NTM ở từng huyện, từng xã, khi đó chúng ta mới thành công. Nếu chúng ta làm được Nông thôn mới thì vấn đề trật tự xã hội, khiếu kiện, đói nghèo, an ninh chính trị sẽ từng bước được giải quyết. Các bản sắc văn hóa của dân tộc mình sẽ được gìn giữ, phát huy tốt hơn. Một vấn đề nhưng chúng ta giải quyết được rất nhiều mục tiêu”.

Tại hội nghị,  Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 41 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “ Gia Lai chung sức xây dựng Nông thôn mới” giai đoạn 2011-2015…/.

Đoàn Bình,  R’Piên


Lượt xem: 89

Trả lời