Gia Lai tăng cường phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi

Cập nhật 16/5/2019, 14:05:56

Hiện nay, Dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố trong cả nước với hơn 1,2 triệu con lợn đã bị bệnh và tiêu hủy. Bộ NN&PTNT nhận định, bệnh dịch này có nguy cơ lây lan rất cao, diễn biến phức tạp nhất là trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay. Theo đó, tại tỉnh Gia Lai, mặc dù chưa xuất hiện bệnh DTLCP song không thể lơ là mà cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống với nhiều hoạt động thiết thực hơn.

Tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về phòng, chống bệnh DTLCP của người dân và doanh nghiệp có tổ chức chăn nuôi, mua bán lợn và các sản phẩm từ lợn được xem là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu trong thời điểm này. Nhờ sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị các địa phương từ cấp cơ sở, nhận thức của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS  đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Ông Phan Văn Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ka, huyện Chư Pah cho biết: “Xã đã kiện toàn BCĐ phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi và giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Và đã tuyên truyền đến người dân về mầm bệnh, hậu quả của dịch tả lợn Châu Phi. Các thôn làng cũng đã nhận thức đầy đủ các vấn đề về dịch tả lợn. Đặc biệt, các hộ dân đã mạnh dạn khai báo, ví dụ như có con heo mất, cũng báo địa phương xuống kiểm tra.

Bà Nguyễn Thị Mai, Tiểu thương chợ thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah, Gia Lai nói: “Khách hàng nuôi mình mà, mình phải bán heo sạch. Nếu bán heo bệnh trước tiên thì nó lây cho bọn tôi trước. Cho nên chúng tôi loại trừ mua, bán các loại heo bệnh”.

Cùng với đó, công tác tiêu độc, khử trùng môi trường đã được tất cả các huyện, thị thành phố và 2 Trạm Kiểm dịch động vật của tỉnh thực hiện tích cực. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh cũng như kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tiếp tục được tăng cường tối đa, nhất là trong thời điểm hiện nay, tỉnh tiếp giáp với Gia Lai là Rattanakiri, Vương quốc Campuchia cũng đã xuất hiện dịch bệnh.

Ông Trần Xuân Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ia Grai, Gia Lai cho biết: “Khi tỉnh giáp huyện có dịch tả lợn Châu Phi, đơn vị cũng đã phối hợp với các đồn biên phòng kiểm soát lợn, sản phẩm từ lợn vào địa bàn. Thường xuyên cử viên chức xuống tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi và nắm rõ tình hình dịch bệnh. Trường hợp lợn bị bệnh, chết cũng đã tiến hành lấy mẫu thử nghiệm để kiểm tra, xác định nguyên nhân gây bệnh”.

Tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là điều được tỉnh Gia Lai rất quan tâm nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh DTLCP. Đến nay, đã có 16/17 huyện, thị xã, thành phố ban hành và tích cực thực hiện Kế hoạch hành động và ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP, huyện còn lại cũng đang gấp rút xây dựng kế hoạch. Các địa phương trong tỉnh cũng đã thành lập BCĐ  các cấp. Một số địa phương đã thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin dịch bệnh, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành…

Ông Dương Ngọc Thanh, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai cho biết: “Hiện nay do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, áp lực dịch trên địa bàn tỉnh rất lớn. Trước tình hình trên UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ sau: Giám sát chặt chẽ, tạm thời không cho nhập heo và sản phẩm heo từ Campuchia vào Việt Nam  Phía ngành chúng tôi chỉ đạo cho 2 trạm kiểm dịch kiểm soát chặt chẽ gia súc và sản phẩm gia súc vào địa bàn. Đề nghị BCĐ các địa phương thành lập các đoàn liên ngành thường xuyên đi kiểm tra, hướng dẫn, xử lý những trường hợp vi phạm, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi trên địa bàn khi có biểu hiện bất thường phải báo cơ quan chức năng để kiểm tra lấy mẫu, giám sát và xử lý kiểm tra theo quy định, tránh tình trạng bệnh phát sinh thành dịch trên địa bàn tỉnh”.

Cùng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, các ngành thì chính ý thức và sự chủ động của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống có vai trò hết sức quan trọng trong việc ngăn chặn bệnh DTLCP xâm nhập vào địa bàn. Cùng với đó, người dân cần đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi bởi đây được xem là giải pháp quan trọng để đối phó hiệu quả với dịch tả lợn châu Phi trong thời điểm này./.

Ngô Thanh, R’Piên, Cao Duy


Lượt xem: 19

Trả lời