Gia Lai tăng cường các giải pháp quản lý bảo vệ rừng

Cập nhật 15/8/2016, 09:08:47

Với diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 887 ngàn hecta, tỉnh Gia Lai là một trong những địa phương có diện tích rừng thuộc diện lớn của cả nước. Thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhờ vậy, từ năm 2011 trở lại đây, công tác này đã có những bước chuyển biến tích cực.

Với diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 887 ngàn hecta, tỉnh Gia Lai là một trong những địa phương có diện tích rừng thuộc diện lớn của cả nước. Thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhờ vậy, từ năm 2011 trở lại đây, công tác này đã có những bước chuyển biến tích cực.

15.8 baoverung

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, toàn tỉnh hiện còn hơn 625 ngàn hecta đất có rừng. Tuy nhiên từ năm 2011 đến nay, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh đã giảm hơn 3.000 hecta bởi các nguyên nhân do khai thác, chuyển mục đích sử dụng rừng hoặc do cháy rừng và nạn phá rừng làm nương rẫy.

Ông Nguyễn Mạnh Tuyển, Chủ tịch UBND xã Sơ Pai – huyện Kbang cho biết: “Trong công tác quản lý bảo vệ rừng, 7 tháng đầu năm nay chúng tôi đã phát hiện 27 vụ vi phạm, thu giữ hơn 92m3 gỗ từ nhóm 1 – nhóm 8, 2 xe ô tô, 10 xe máy và một số cưa xăng. Các đối tượng sau khi bị bắt giữ chúng tôi đều chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý”.

Tính chung toàn tỉnh các cơ quan chức năng đã bắt giữ, xử lý 6.823 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tịch thu gần 16 ngàn m3 gỗ các loại; đã khởi tố 134 vụ. Riêng từ đầu năm đến nay ngành chức năng đã xử lý hình sự 18 vụ vi phạm công tác quản lý bảo vệ rừng. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền cơ sở và các ngành chức năng, công tác quản lý bảo vệ rừng của tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực, tình trạng vi phạm lâm luật có chiều hướng giảm qua từng năm. Dù vậy, nhìn một các tổng thể, tình trạng xâm lấn rừng, việc khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra do nhiều nguyên nhân.

Nói về vấn đề này ông Nguyễn Nhĩ , Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Hiện nay so với thực tế, các lực lượng chuyên trách quản lý bảo vệ rừng hầu như chưa đáp ứng được ở một số vấn đề. Đối với các chủ rừng, nhìn chung không có đủ năng lực, hiệu lực, kể cả sự hoàn thiện về cơ chế chính sách để họ thực thi tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng trên diện tích được giao. Lực lượng kiểm lâm hiện nay vẫn còn thiếu và yếu so với nhu cầu thực tế. Vấn đề nữa là để bảo vệ rừng thì không chỉ đơn thuần có lực lượng kiểm lâm, các lực lượng bảo vệ rừng, chủ rừng mà phải có sự vào cuộc thật sự của các cấp chính quyền ở huyện, ở xã, ở thôn, nhất là cấp chính quyền cơ sở ở thôn xã. Đây là nơi địa bàn họ quản lý trực tiếp và cũng là nơi xảy ra tình trạng xâm hại đến tài nguyên rừng. Tôi nghĩ rằng rừng sẽ không được bảo vệ và công tác quản lý bảo vệ rừng sẽ không đạt hiệu quả cao nếu không có sự vào cuộc của các cấp chính quyền này”.

Những phân tích của ngành chức năng đều cho thấy, tình trạng xâm lấn tài nguyên rừng, đất rừng còn xảy ra nguyên nhân chủ yếu là do năng lực, trách nhiệm quản lý của chủ rừng ở cơ sở chưa được thực thi đúng mức. Để giải quyết tình trạng này ngay tại cơ sở, việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho các cộng đồng dân cư thôn từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đang được xem là giải pháp giữ rừng khá hiệu quả. Hiện toàn tỉnh có 25 cộng đồng dân cư thôn được giao khoán quản lý bảo vệ rừng. Đặc biệt trong đó có 7 cộng đồng dân cư thôn là chủ rừng. Đầu năm 2016, dân làng Klah, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang qua tuần tra giữ rừng đã kịp thời phát hiện vụ xâm chiếm đất rừng với quy mô gần 3ha, thu giữ tang vật vi phạm.

Ông Nguyễn Xuân Thưởng , Phó GĐ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai cho biết: “Tiền dịch vụ môi trường rừng được thực hiện từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm chúng tôi có 60 – 65 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này hỗ trợ giảm một phần ngân sách Nhà nước cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Mở rộng diện tích khoán quản lý bảo vệ rừng, UBND cấp xã hợp đồng với dân bảo vệ rừng ngày càng nhiều hơn. Và tiền dịch vụ môi trường rừng giúp cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng. Đồng thời ý thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn”.

Hiện nay Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, Quyết định nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng nhưng thực tế thời gian qua cơ chế, chính sách này vẫn chưa đi vào cuộc sống hoặc được triển khai rất chậm cụ thể như: Quyết định 07 ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng, Đề án 1920 nâng cao năng lực lực lượng kiểm lâm, hay gần đây là Nghị định 75 về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020.

Ông Nguyễn Nhĩ , Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh đánh giá: Đây là những chính sách rất hay, mong muốn rằng những chính sách này sớm được triển khai trong thực tế để làm sao cho đồng bào dân tộc Tây nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng những người sống gần rừng, liền rừng sống được bằng nghề rừng.

Theo kết quả rà soát 3 loại rừng, toàn tỉnh hiện còn hơn 57 ngàn hecta đất rừng đặc dụng, hơn 154 ngàn hecta đất rừng phòng hộ và xấp xỉ 660 ngàn hecta đất rừng sản xuất với độ che phủ rừng là 40,1%. Giải pháp nào để nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng, để tài nguyên rừng không tiếp tục bị xâm hại, đặc biệt là phải thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo diện tích rừng trồng mới hàng năm từ 800 hecta trở lên và nâng độ che phủ rừng đạt 46,6% vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XV nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra. Những nội dung quan trọng này sẽ được đưa ra bàn thảo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn tại Hội nghị chuyên đề công tác quản lý bảo vệ rừng do Tỉnh ủy tổ chức diễn ra vào sáng mai ngày 15/8./.

Nhật Thành


Lượt xem: 502

Trả lời