Gia Lai tận dụng lợi thế phát triển cây ăn quả

Cập nhật 05/10/2023, 06:10:33

Phát triển cây ăn quả được nhận định là một trong những lợi thế rất lớn của tỉnh Gia Lai và đang được các địa phương khai thác rất hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh mấy năm gần đây. Phấn khởi hơn nữa là, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã chọn để triển khai các nhà máy chế biến trái cây với quy mô lớn, điều đó giúp tỉnh Gia Lai ngày càng khẳng định những lợi thế cạnh tranh rất lớn về phát triển cây ăn quả bằng những kết quả cụ thể

Tính đến nay tỉnh Gia Lai đã phát triển được gần 30 ngàn ha cây ăn quả, chủ yếu là chuối, chanh dây, sầu riêng, bơ, mít…được phát triển mạnh về quy mô diện tích và đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Trong đó tỉnh Gia Lai dẫn đầu cả nước về diện tích chanh dây với khoảng 4.700 ha, chiếm 47% tổng diện tích chanh dây cả nước.

Không những đi đầu về diện tích, tỉnh Gia Lai cũng đang dẫn đầu cả nước trong việc thu hút các doanh nghiệp hàng đầu trong nước và khu vực như Doveco, Nafoods, Quiconac, Thông đỏ….đầu tư sản xuất giống, chế biến và tiêu thụ chanh dây thông qua hình thức liên kết chuỗi giá trị với bà con nông dân, từng bước hướng đến sự phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Gia Lai nói: “Trong thời gian qua chính sự tham gia của doanh nghiệp liên kết với người dân, ngành rau quả đã xuất khẩu từ chỗ không đáng kể cho đến hiện nay đạt trên dưới 150 triệu đô một năm và nếu chúng tôi làm tốt tổ chức lại bài bản có quy hoạch cụ thể và có sự hỗ trợ của TW và sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và các doanh nghiệp, chúng ta phát triển được vùng nguyên liệu bền vững. Một là bền vững vùng nguyên liệu, thứ 2 là bền vững về có doanh nghiệp đầu tư liên kết làm đầu chuỗi, thứ 3 nữa là cũng phải là DN mới chính phục được thị trường. 3 khâu này mới đảm bảo phát triển bền vững và chúng tôi cũng hy vọng có cơ hội phát  triển bền vững và xuất khẩu mang lại kim ngạch hàng tỷ đô la mang về cho ngành rau quả.”

Chính từ chỗ Gia Lai quy tụ được nhiều “ông lớn” hàng đầu trong nước và khu vực trong ngành cây ăn quả thực hiện liên kết sản xuất với bà con nông dân gắn với tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu, đồng thời cung cấp những loại cây giống đạt tiêu chuẩn, chất lượng đã được cơ quan chức năng kiểm định và công nhận nên việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong những năm qua được ổn định, tạo ra những mặt hàng hoa quả đạt tiêu chuẩn, chất lượng, tăng tính cạnh tranh đối với yêu cầu về xuất khẩu.

Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp & PTNT cho biết: “Cây ăn quả là cây lâu năm cần có suất đầu tư rất lớn. Do vậy để phát triển và khai thác hiệu quả việc cây ăn quả là cực kỳ quan trọng, đó là vấn đề giống. Chúng ta phải có những giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được khai thác từ những cây đầu dòng và được bán từ những cơ sở sản xuất kinh doanh được đăng ký hợp pháp, thứ hai đó là quy trình canh tác với sự phát triển nóng nên việc áp dụng các quy trình canh tác cũng như đầu tư không tương xứng cũng sẽ đem lại hiệu quả.”

Theo Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, trong đó đến năm 2025 phát triển khoảng 55 ngàn ha cây ăn quả và đến năm 2030 nâng lên 90 ngàn ha. Để đạt được mục tiêu đặt ra, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu đối với ngành hàng cây ăn quả – một trong những ngành hàng mà hiện nay Việt Nam đang có thế mạnh rất lớn trên thế giới, được nhiều đối tác lớn hướng đến, tỉnh Gia Lai đã và đang  quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư, gắn sản xuất với chế biến sâu, kiểm soát nguồn cây giống đảm bảo chất lượng bằng biện pháp thiết thực hơn.

Ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Gia Lai trao đổi: “Ngành nông nghiệp chỉ đạo kiên quyết là khâu giống cũng hết sức quan trọng mà hiện nay chúng ta còn đang yếu. Chúng tôi đề xuất phải có những phòng kiểm nghiệm, kiểm định về giống, chúng ta phải thường xuyên kiểm tra. Nếu chúng ta đưa ra những lô giống mang mầm bệnh sẽ lây nhiễm, xóa sổ ngành sản xuất một loại rau quả nào đó. Đây là khâu hết sức quan trọng và được lơ là.”

Với tiềm năng, lợi thế hiện có, tỉnh Gia Lai quyết tâm trở thành thủ phủ cây ăn quả trong tương lai và đây sẽ là một trong những mặt hàng chủ lực đóng góp kim ngạch lớn cho tỉnh trong tương lai khi hiện nay nhu cầu của nước ngoài rất lớn.

Hồng Uyên – Viễn Khánh


Lượt xem: 12

Trả lời