Gia Lai tái hiện Hội Hát Cầu Huê

Cập nhật 15/2/2016, 09:02:42

Hội Hát Cầu Huê – một lễ hội lớn nhất trong các hoạt động lễ hội của người Việt ở An Khê đang đứng trước nguy cơ thất truyền và gần như không còn tồn tại hơn 60 năm qua. Lễ hội có ý nghĩa này đã được Bảo tàng tỉnh Gia Lai tái hiện lại với nhiều hoạt động có ý nghĩa diễn ra trong ngày 13/2 (Mùng 6 Tết) tại thành phố Pleiku.

 

Việc tái hiện Hội Hát Cầu Huê đã tạo được một không gian du xuân vui tươi, ý nghĩa cho mọi người

Phiên chợ Kinh – Thượng mang đậm nét truyền thống thể hiện tinh thần giao lưu, đoàn kết là điểm nhấn thu hút người xem khi đến với Hội Hát Cầu Huê. Phiên chợ với một bên là các mặt hàng truyền thống, các món ăn mang nét đặc trưng của vùng An Khê, Bình Định và một bên là các loại rau quả, sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai. Trong lễ hội mùa Xuân của người dân vùng đất An Khê có không gian đặc biệt cho chợ được tổ chức là nơi cả người Việt, người Bahnar và các dân tộc thiểu số khác cùng mang hàng hóa ra trao đổi, mua bán, giao lưu. Việc tái hiện Hội Hát Cầu Huê đã tạo được một không gian du xuân vui tươi, ý nghĩa cho mọi người với những nét văn hóa không thể thiếu trong lễ hội dân gian của người Việt, nghe hát bội, hát bài chòi, xem biểu diễn cồng chiêng và cùng tham gia các trò chơi dân gian.

Chị M’Lơnh, xã Glar, huyện Đak Đoa chia sẻ: “Hôm nay được đến đây để giao lưu và giới thiệu cách dệt thổ cẩm của mình ,mình rất vui khi được tham gia lễ hội để giới thiệu về truyền thống văn hóa của dân tộc mình”.

Còn chị Huỳnh Thị Ngọc Hiệp, thành phố Pleiku cho biết: Tham gia lễ hội này mang lại cho mình nhiều cảm xúc, được tìm hiểu về truyền thống, những trò chơi dân gian, những món ăn, những sắc áo của đồng bào dân tộc khơi dậy lại cho mình cảm xúc truyền thống ngày xưa. “Nói chung rất là vui, đặc biệt là các bé rất thích các trò chơi dân gian”, chị Hiệp nói.

Lễ hội mùa Xuân của người dân vùng đất An Khê được tổ chức vào ngày 10/2 âm lịch hàng năm khi nhân dân tổ chức tế Xuân ở đình An Lũy. Nội dung lễ hội thể hiện rõ nét nhất tinh thần đoàn kết Kinh – Thượng, thế nhưng lễ hội này gần như đã không còn tồn tại mấy chục năm qua.

 TS Nguyễn Thị Kim Vân, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai nói thêm về Lễ hội Cầu Huê: “ Cầu Huê ở đây có nghĩa là cầu huê lợi, cầu mùa, những điều may mắn trong năm mới. Lễ hội đã diễn ra trong một thời gian dài và trước năm 1945 phần hội gần như đã biến mất. Khi nắm được nguồn tư liệu này, Bảo tàng đã tìm hiểu và tái hiện với mục đích là tái hiện lại không gian văn hóa lễ hội truyền thống. Tại thành phố Pleiku chúng tôi tái hiện lễ hội trong dịp đầu năm mới để người dân có một địa điểm du xuân và có thể hình dung được không gian lễ hội truyền thống xưa”.

Đây là năm thứ hai Bảo tàng tỉnh tái hiện Hội Hát Cầu Huê đầy ý nghĩa nhằm bảo tồn một nét đẹp văn hóa truyền thống thể hiện rõ nét nhất tình đoàn kết Kinh – Thượng trong buổi đầu người Việt lên lập nghiệp trên vùng đất An Khê./.

 

 

Kim Châu ; Piên


Lượt xem: 58

Trả lời