Gia Lai sẵn sàng cho năm học mới

Cập nhật 28/8/2022, 17:08:02

Theo kế hoạch, chỉ còn 01 tuần nữa là học sinh các bậc học trong toàn tỉnh Gia Lai sẽ chính thức bước vào năm học mới 2022 – 2023. Thời điểm này, thầy và trò các cơ sở giáo dục đang phấn khởi, tích cực chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tạo khí thế vui tươi sẵn sàng chào đón ngày tựu trường của học sinh.

 

Sau nhiều năm chờ đợi, năm học 2022 – 2023 là năm đầu tiên thầy và trò Trường Tiểu học Anh hùng Núp, thành phố Pleiku được dạy và học trong những phòng học mới xây dựng khang trang, sạch đẹp. Dãy phòng học 4 lầu này mới được bàn giao và đưa vào sử dụng từ tháng 5 năm nay. Với sự đầu tư này, năm học tới nhà trường đảm bảo việc dạy học 2 buổi/ ngày cho các khối lớp 1, 2 và 3 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cô giáo Hoàng Thị Kim Ngân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Anh hùng Núp, thành phố Pleiku phấn khởi chia sẻ: “Bên cạnh đó thì nhà trường cũng đã đầu tư thêm một số trang thiết bị để hỗ trợ cho các em như tivi để các em đảm bảo học tốt chương trình mới, phòng ốc, bàn ghế cũng đã được trang bị tương đối đầy đủ. Nhà trường đã rất sẵn sàng cho một năm học mới với khí thế phấn khởi, thoải mái”.

Năm học 2022 – 2023, toàn huyện Đak Pơ có 22 trường, trong đó có 02 trường mầm non tư thục với trên 8 ngàn học sinh và trẻ mầm non. Chuẩn bị cho năm học mới, ngành đã được đầu tư trên 13 tỷ đồng để xây dựng mới, sửa chữa các phòng học cho các trường, cũng như mua sắm trang thiết bị dạy học phục vụ nhiệm vụ dạy học. Với những sự đầu tư đó thì về cơ bản đã đáp ứng đầy đủ cho các trường bắt đầu năm học mới. Vấn đề hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng đã được các trường học trên địa bàn lên kế hoạch thực hiện.

Thầy giáo Bùi Thanh Nhàn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Kim Đồng, huyện Đak Pơ cho biết: “Hàng năm thì UBND huyện có trích ngân sách để mua sách hỗ trợ cho các trường khó khăn. Trường TH – THCS Kim Đồng là một trong những trường đó. Bên cạnh đó, với đặc thù là địa bàn xã An Thành thì phần lớn phụ huynh đều có hoàn cảnh khó khăn, do vậy nhà trường đã chủ động tham mưu với UBND xã xin hỗ trợ thêm kinh phí, liên hệ một số mạnh thường quân trên địa bàn để quan tâm hỗ trợ đầy đủ sách giáo khoa cho các em khi bước vào năm học mới”.

Để có môi trường học tập tốt trong năm học mới, hiện tại các trường đã huy động cán bộ, giáo viên, thuê thêm nhân công tổng vệ sinh toàn trường, sắp xếp lại cảnh quan, cơ sở vật chất bảo đảm khang trang, sạch đẹp. Bên cạnh đó, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết và sự gia tăng trở lại của dịch bệnh Covid-19 cùng một số bệnh truyền nhiễm khác, các trường học trong tỉnh đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng dịch để chào đón học sinh trở lại trường.

 Cô giáo Đỗ Thị Hằng – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, TT. Chư Sê, huyện Chư Sê nói: “Nhà trường đã xây dựng các kịch bản, cũng như các phương án phù hợp với tình hình dịch bệnh để khi bước vào năm học sẽ chủ động hơn. Nếu tình hình dịch bệnh thì chúng tôi cũng có phương án, mà không có dịch bệnh thì chúng tôi cũng đã chuẩn bị các phương án dạy học trực tiếp”.

Năm học 2022 – 2023, toàn ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai có 714 trường mầm non, phổ thông công lập, với trên 383 ngàn học sinh. Tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất là trên 373 tỉ đồng, tổng kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học là trên 176 tỷ đồng. Thời điểm này, các cơ sở giáo dục nằm trong kế hoạch đầu tư kinh phí đều cơ bản đã được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho năm học mới. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là tình trạng thiếu giáo viên, nhất là đội ngũ giáo viên phục vụ giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ông Lê Duy Định – Giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh Gia Lai thông tin: “Trong khi chờ các thủ tục để phân bổ 1.244 chỉ tiêu biên chế được Trung ương giao bổ sung cho tỉnh Gia Lai trong năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện việc dồn ghép lớp cho đạt đến mức tối đa số học sinh/lớp; dồn ghép tối đa các điểm trường phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; tiếp tục rà soát, sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ trên cùng địa bàn hoặc trên cùng trục đường; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm biên chế được giao.”

Ông Phạm Văn Hoàng – Trưởng phòng GD & ĐT huyện Chư Sê trao đổi: “Ngành sẽ tham mưu cho UBND huyện biệt phái giáo viên ở một số trường thuận lợi về giảng dạy ở các vùng khó khăn. Thứ 2 là giao cho các trường trực thuộc chủ động phương án hợp đồng, đặc biệt là môn Tin học ở Tiểu học và tiếng Anh. Cơ bản thì đến nay việc phân bổ đã xong và các trường đã chủ động nguồn để đảm bảo đủ giáo viên dạy học”.

Mặc dù vẫn còn những khó khăn, nhưng với trách nhiệm và sự nỗ lực của ngành giáo dục nói chung, của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nói riêng và sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, đến thời điểm này công tác chuẩn bị của ngành, của các đơn vị trường đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng bước vào năm học mới 2022–2023 với niền tin mới, khí thế mới./.

Nhóm Phóng viên


Lượt xem: 26

Trả lời