Gia Lai – Phát triển thương hiệu cà phê đặc sản

Cập nhật 30/12/2023, 21:12:42

Gia Lai là 1 trong 8 tỉnh trong nước được lựa chọn để triển khai Đề án Phát triển cà phê đặc sản giai đoạn 2021 – 2030. Đây được xem là thách thức và là cơ hội để cà phê đặc sản Gia Lai vươn mình ra thế giới. Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, Gia Lai sẽ tập trung nâng cao chất lượng, giá trị cà phê thông qua đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, hướng tới thị trường xuất khẩu. Trong đó, phát triển vùng nguyên liệu cà phê sạch được địa phương chú trọng nhằm hướng tới xây dựng thương hiệu cà phê, văn hóa trồng cà phê.

Trang trại Cà phê Tamba ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh là một trong nhưng đơn vị tham gia thực hiện Đề án Xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản của tỉnh Gia Lai. Trang trại có hơn 200 hecta trồng cà phê, trong đó robusta chiếm 80% diện tích, còn lại là arabica, hàng năm thu hoạch gần 1.000 tấn cà phê tươi. Cà phê của Tamba được trồng theo hướng áp dụng qui trình hữu cơ hóa trong canh tác. Từ đó cho ra những hạt cà phê sạch, chất lượng cao để rang xay, đạt được mùi vị cà phê tinh khiết nhất, đảm bảo cà phê 100% nguyên chất. Trang trại đang áp dụng quy trình chế biến theo chuẩn quốc tế, trong đó quy trình rang xay được áp dụng công nghệ mới hiện đại của Đức, đảm bảo được mùi đặc trưng tự nhiên của cà phê.

Anh Nguyễn Thanh Quân – Trang trại Cà phê Tamba, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai nói: “Chúng tôi nhận thấy cà phê đặc sản rất được các nhà rang xay ưa chuộng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành gia tăng sản lượng cà phê nhân lên khoảng 200-300 tấn. Để làm được điều đó, chúng tôi đã thay đổi tư tưởng, rồi cho công nhân đi học các quy trình chế biến cà phê đặc sản, thay đổi về cách trồng, phân bón, áp dụng các tiêu chuẩn về cà phê sạch để đảm bảo năng suất và thu được hạt cà phê chất lượng nhất.”

Trong những năm gần đây, bên cạnh đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm cà phê nhân xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh Gia Lai cũng đã chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến cà phê bền vững và một phần sản phẩm cà phê đặc sản nhằm thâm nhập các thị trường tiềm năng trong nước và xuất khẩu. Ngoài cà phê Tamba thì còn nhiều doanh nghiệp điển hình là cà phê Thu Hà, Classic Coffee, L’amant Café … đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành trong nước và bước đầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Singapore…

Theo Đề án Phát triển cà phê đặc sản giai đoạn 2021 – 2025, Gia Lai sẽ hình thành cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ phát triển và xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản. Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Gia Lai sẽ phát triển diện tích cà phê vối đặc sản khoảng 1.200 ha, bằng 1,2% diện tích cà phê toàn tỉnh. Đến giai đoạn 2026 – 2030, phát triển diện tích cà phê vối đặc sản khoảng 2.300 ha, bằng 2,4% diện tích cà phê toàn tỉnh. Đến năm 2025, phấn đấu có trên 1.000 ha cà phê Robusta đặc sản với sản lượng khoảng 620 tấn. Năm 2030, diện tích này đạt khoảng 2.300 ha, sản lượng đạt khoảng 1.700 tấn.

Ông Nguyễn Ngọc Cường – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cho biết: “Hiện nay Sở KH&CN đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho 13 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở đã phối hợp tổ chức khoá đào tạo thực tiễn Chiến lược xây dựng thương hiệu và tiếp thị cho các nhà sản xuất cà phê mang chỉ dẫn địa lý “Gia Lai” và 01 lớp tập huấn chuyên sâu về sở hữu trí tuệ cho hơn 50 hộ sản xuất, kinh doanh cà phê. Ngoài ra, các học viên được đi tham quan thực tế tại trang trại cà phê tiêu biểu của tỉnh, gồm: Vĩnh Hiệp Farm, Mori Farm, Tropical Farm.”

Anh Nguyễn Hữu Long – Học viện Cà phê Việt Nam VCA Gia Lai chia sẻ: “Tôi nghĩ Gia Lai sẽ là thủ phủ cà phê trong tương lai, về mặt diện tích, về mặt chất lượng, về phong trào khởi nghiệp làm cà phê chất lượng cao thì Gia Lai là số một trên cả nước. Rất là tuyệt vời. Vùng đất Gia Lai rất là phù hợp để tạo nên cà phê chất lượng ngon.”

Từng bước mở rộng diện tích và xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản sẽ góp phần phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cà phê của Gia Lai trên thị trường thế giới, tạo động lực để người dân trong tỉnh nâng cao chất lượng cà phê. Đồng thời hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu sản phẩm cà phê trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và các thị trường xuất khẩu.

Trương Trang – Phi Long


Lượt xem: 7

Trả lời