Gia Lai – Phát triển thương hiệu cà phê đặc sản

Cập nhật 15/12/2023, 06:12:43

Gia Lai là 1 trong 8 tỉnh trong nước được lựa chọn để triển khai Đề án phát triển cà phê đặc sản giai đoạn 2021 – 2030. Đây được xem là thách thức cũng như cơ hội để cà phê đặc sản Gia Lai vươn mình ra thế giới. Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, Gia Lai sẽ tập trung nâng cao chất lượng, giá trị cà phê thông qua đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, hướng tới thị trường xuất khẩu. Trong đó, phát triển vùng nguyên liệu cà phê sạch được địa phương chú trọng nhằm hướng tới xây dựng thương hiệu cà phê, văn hóa trồng cà phê.

Trang trại Cà phê Tamba ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh là một trong nhưng đơn vị tham gia thực hiện Đề án xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản của tỉnh Gia Lai. Trang trại có hơn 200 hecta trồng cà phê, trong đó robusta chiếm 80% diện tích, còn lại là arabica, hàng năm thu hoạch gần 1.000 tấn cà phê tươi. Cà phê của Tamba được trồng theo hướng sạch, áp dụng qui trình hữu cơ hóa trong canh tác. Từ đó cho ra những hạt cà phê sạch, chất lượng cao để rang xay, đạt được mùi vị cà phê tinh khiết nhất, đảm bảo cà phê 100% nguyên chất. Trang trại đang áp dụng quy trình chế biến theo chuẩn quốc tế, trong đó quy trình rang xay được áp dụng công nghệ mới hiện đại của Đức, đảm bảo được mùi đặc trưng tự nhiên của cà phê.

Anh Nguyễn Thanh Quân – Trang trại Cà phê Tamba, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai nói: “Chúng tôi luôn chú trọng các sản phẩm cà phê đặc sản để đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Chúng tôi nhận thấy cà phê đặc sản rất được các nhà rang xay ưa chuộng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành gia tăng sản lượng cà phê nhân lên khoảng 200-300 tấn. Để làm được điều đó, chúng tôi đã thay đổi tư tưởng, rồi cho công nhân đi học các quy trình chế biến cà phê đặc sản, thay đổi về cách trồng, phân bón, áp dụng các tiêu chuẩn về cà phê sạch để đảm bảo năng suất và thu được hạt cà phê chất lượng nhất.”

Trong những năm gần đây, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm cà phê nhân xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến cà phê bền vững và một phần sản phẩm cà phê đặc sản nhằm thâm nhập các thị trường tiềm năng trong nước và xuất khẩu. Ngoài cà phê Tamba thì còn nhiều doanh nghiệp điển hình là cà phê Thu Hà, Classic Coffee, L’amant Café … đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành trong nước và bước đầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Singapore…

Để hỗ trợ doanh nghiệp nắm rõ tiêu chuẩn, quy trình đánh giá và xây dựng chiến lược kinh doanh, xuất khẩu cho dòng sản phẩm cà phê đặc sản, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai đã triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm và trong chế biến, bảo quản sau thu hoạch, thân thiện môi trường; áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, sản xuất, kinh doanh cà phê nói chung, cà phê đặc sản nói riêng. Đồng thời, triển khai xây dựng “Hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh” trong năm 2020; hoàn thiện hệ thống kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia và các hệ thống truy xuất nguồn gốc được xây dựng mô hình trong năm 2021; đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Gia Lai” cho sản phẩm cà phê; xây dựng và chuyển giao mô hình liên kết trong sản xuất cà phê và hồ tiêu; xây dựng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm cà phê…Năm 2022, tỉnh Gia đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Gia Lai” cho sản phẩm cà phê.

Ông Nguyễn Ngọc Cường – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cho biết: “Hiện nay Sở KH&CN đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho 13 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở đã phối hợp tổ chức khoá đào tạo thực tiễn Chiến lược xây dựng thương hiệu và tiếp thị cho các nhà sản xuất cà phê mang chỉ dẫn địa lý “Gia Lai” và 01 lớp tập huấn chuyên sâu về sở hữu trí tuệ cho hơn 50 hộ sản xuất, kinh doanh cà phê. Ngoài ra, các học viên được đi tham quan thực tế tại trang trại cà phê tiêu biểu của tỉnh, gồm: Vĩnh Hiệp Farm, Mori Farm, Tropical Farm.”

Gia Lai Coffee Festival – Một sự kiện trải nghiệm cà phê lần đầu tiên được tổ chức tại Gia Lai vào tháng 9 năm 2023 đã mở ra cơ hội quảng bá, giới thiệu, góp phần xây dựng thương hiệu cà phê Gia Lai.​ Với 32 đơn vị đồng hành, trong đó có hơn 20 trang trại cà phê đã cho thấy sức hút của sự kiện này. Trong 2 ngày diễn ra, Gia Lai Coffee Festival đã ghi dấu ấn với nhiều hoạt động ý nghĩa như trải nghiệm rang cà phê, Cupping nếm thử cà phê để thẩm định chất lượng và hương vị cà phê, thi đấu barista teamwork pha chế cà phê và thức uống không cồn… Đặc biệt là talk show bàn luận về chủ đề “Phát triển vùng nguyên liệu cà phê Gia Lai”. Gia Lai Coffee Festival đã đem lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn, mới lạ. Dù lần đầu tiên tổ chức nhưng quy mô sự kiện, cách thức tổ chức cũng như quy tụ được nhiều đối tác đã tạo nên mạch kết nối cho những ai quan tâm đến ngành hàng cà phê cũng như ưa chuộng thức uống được yêu thích nhất nhì thế giới này.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm – Trưởng Ban tổ chức Sự kiện Gia Lai Coffee Festival trao đổi: “Để cho vùng nguyên liệu cà phê Gia Lai được nhiều người biết đến hơn thì tôi mới tổ chức sự kiện lần này. Đây là sự kiện thuần về trải nghiệm giúp cho người đam mê đến đây để thưởng thức cà phê Gia Lai của mình. Chúng tôi sẽ hỗ trợ đưa sản phẩm của người nông dân từ hạt cà phê thành thành phẩm cuối cùng để đến tay người tiêu dùng, giúp cho cà phê Gia Lai càng ngày càng lan rộng ra.”

Anh Nguyễn Hữu Phước – Phước Farm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai nói: “Thực chất, tỉnh nhà mình là một vùng nguyên liệu rất là ngon nhưng mà sự biết đến của các nhà rang nó còn hạn chế bởi vì dẫu sao họ cứ nghĩ đến cà phê Buôn Ma Thuột. Đó! Thì thông qua cái buổi này, thì ban tổ chức cũng như farm muốn giới thiệu đến tất cả các bạn yêu cà trên toàn nước Việt Nam cũng như thế giới rằng Gia Lai mình có cà phê rất ngon.”

Anh Hồ Hoàng Minh Thắng – Cà phê Rẫy Rừng, thị trấn Măng Đen, tỉnh Kon Tum bày tỏ: “Tôi thấy đây là một cơ hội tốt để người đam mê cà phê có một sân chơi, để giao lưu với nhau, gặp nhau để chia sẻ. Tôi nghĩ là đối với anh em đam mê cà phê, chỉ cần có một nơi để ngồi thưởng thức một ly cà phê ngon, uống cà phê của mình, uống cà phê của các bạn khác, được thử nhiều cách pha chế cà phê khác nhau đó đã là một điều tuyệt vời.”

Theo Đề án Phát triển cà phê đặc sản giai đoạn 2021 – 2025, Gia Lai sẽ hình thành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển và xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản. Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Gia Lai sẽ phát triển diện tích cà phê vối đặc sản khoảng 1.200 ha, bằng 1,2% diện tích cà phê toàn tỉnh. Đến giai đoạn 2026 – 2030, phát triển diện tích cà phê vối đặc sản khoảng 2.300 ha, bằng 2,4% diện tích cà phê toàn tỉnh. Đến năm 2025, phấn đấu có trên 1.000 ha cà phê Robusta đặc sản với sản lượng khoảng 620 tấn. Năm 2030, diện tích này đạt khoảng 2.300 ha, sản lượng đạt khoảng 1.700 tấn.

Anh Nguyễn Hữu Long – Học viện Cà phê Việt Nam VCA Gia Lai chia sẻ: “Tôi nghĩ Gia Lai sẽ là thủ phủ cà phê trong tương lai, về mặt diện tích, về mặt chất lượng, về phong trào khởi nghiệp làm cà phê chất lượng cao thì Gia Lai là số một trên cả nước. Rất là tuyệt vời. Vùng đất Gia Lai rất là phù hợp để tạo nên cà phê chất lượng ngon.”

Việc từng bước mở rộng diện tích và xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản sẽ góp phần phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cà phê của Gia Lai trên thị trường thế giới, tạo động lực để người dân trong tỉnh nâng cao chất lượng cà phê. Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu sản phẩm cà phê trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và các thị trường xuất khẩu.

Trương Trang – Phi Long


Lượt xem: 16

Trả lời