Gia Lai – Nuôi cá đặc sản bản địa cho hiệu quả kinh tế cao  

Cập nhật 20/4/2022, 10:04:42

Trước đây, hoạt động nuôi trồng thủy sản ở Gia Lai chủ yếu mang tính tự phát với quy mô nhỏ lẻ. Những năm gần đây, nhận thấy nuôi cá nước ngọt có tiềm năng lớn, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã biết tận dụng lợi thế đó để nuôi cá đặc sản bản địa, cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo đó, những loài cá đang được bà con nông dân nuôi nhiều gồm: Cá diêu hồng, rô phi, chép, trắm, cá lóc… Bên cạnh đó, nhiều nơi người dân thử nghiệm nuôi cá đặc sản như cá chốt, thát lát, cá lăng,… loài cá nước ngọt đang có thị phần tiêu thụ lớn. Nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Gia Lai trong những năm gần đây đã phát triển theo chiều hướng tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó phải kể đến những mô hình nuôi cá lồng hiệu quả như nuôi cá tầm ở Kbang, nuôi cá thát lát ở huyện Phú Thiện. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có hơn 900 lồng bè, tập trung nhiều nhất tại thị xã An Khê và các huyện: Ia Grai, Chư Păh, Đak Đoa, Chư Prông, Kbang, Phú Thiện. Định hướng đến 2025, tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh là 16,3%/năm, chiếm gần 2% tỷ trọng trong ngành nông nghiệp với diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 3.800 ha. Đặc biệt, trong giai đoạn này, Gia Lai tập trung phát triển những giống cá đặc sản của địa phương như: Cá lăng, cá chốt, thát lát… để tạo ra giá trị kinh tế cao cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản./.

Trương Trang, Minh Trung


Lượt xem: 31

Trả lời