Gia Lai- khát vọng hòa bình, độc lập

Cập nhật 21/8/2017, 08:08:55

   Lịch sử của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Gia Lai đã hun đúc truyền thống rất quý báu đó là luôn tỏa sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lòng yêu nước nồng nàn, tự lực tự cường, chung khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ quê hương, góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Những ngày mùa thu tháng Tám lịch sử này, chúng ta cùng tìm về nguồn cội lịch sử cách mạng để càng trân trọng, tự hào, từ đó tiếp nối quá khứ hào hùng trong hành trình xây dựng quê hương đổi mới, phát triển.

Nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Tây Nguyên, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Gia Lai là địa bàn chiến lược, có vị trí quan trọng. Từ những năm 30, 40 của thế kỷ trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh và Bác Hồ kính yêu, ngọn lửa cách mạng ở Gia Lai đã sục sôi; cán bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã vùng lên đấu tranh chống đế quốc xâm lược, xóa bỏ ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, cùng dân tộc Việt Nam chớp thời cơ “ngàn năm có một”, làm nên Cách mạng tháng Tám (1945) thành công vĩ đại, giành độc lập tự do… Bước sang kỷ nguyên mới, bão táp cách mạng tiếp tục lan rộng và phát triển ở  Gia Lai. Cán bộ, quân và dân trong tỉnh càng thể hiện rõ ý chí quật cường, không ngại gian khổ hy sinh, bất chấp “mưa bom lửa đạn”, anh dũng chiến đấu chống quân thù, giải phóng tỉnh nhà vào ngày 17/3/1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).

Những tên đất, tên làng ở Gia Lai đã đi vào lịch sử hào hùng với những chiến công chói lọi của sự trung dũng, bất khuất, khát vọng hòa bình, độc lập tự do và niềm lạc quan, thủy chung với cách mạng; của tinh thần đoàn kết “sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau”.

Ông Đinh Danh- xã Krong, huyện Kbang- Gia Lai cho biết: ” Trong những năm kháng chiến, đồng bào ở xã Krong đùm bọc, chở che, ủng hộ cán bộ, bộ đội để đánh đuổi quân thù. Dù khó khăn, gian khổ nhưng bà con luôn theo cách mạng để đánh địch bảo vệ quê hương”.

Cách mạng là sự nghiệp của toàn dân, do nhân dân làm chủ. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Thực hiện tốt quan điểm đó nên trong những năm kháng chiến, Đảng bộ Gia Lai đã huy động và tập hợp quần chúng nhân dân đoàn kết tham gia đấu tranh cách mạng. Không chỉ cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất mà đồng bào các dân tộc Gia Lai còn giỏi trong chiến đấu chống quân thù, sẵn sàng dấn thân, cống hiến khi quê hương, Tổ quốc cần. Những con người chân chất, mộc mạc với lòng yêu nước nồng nàn, họ đã góp phần làm nên lịch sử, bảo vệ vững chắc buôn làng, quê hương thân yêu trước sự giày xéo, tàn phá dữ dội của quân thù.

 Ông Rơ Chăm Chik- xã Ia Chía, huyện Ia Grai- Gia Lai cho biết: ” Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, bản thân tôi tham gia lực lượng du kích ở địa phương cùng với cán bộ, nhân dân ở xã anh dũng chiến đấu chống quân thù. Ngày đó chiến tranh ác liệt lắm nhưng bà con ở đây không sợ hy sinh, cùng đánh Mỹ để bảo vệ làng, bảo vệ quê hương”…

Nói đến nguyên nhân của những thắng lợi cách mạng có tính bước ngoặt ở Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung trong kháng chiến chống Mỹ thì không thể không nhắc đến vai trò của Mặt trận B3 (Mặt trận Tây Nguyên). Từng tham gia nhiều trận đánh Mỹ ác liệt, ông Phạm Chào- nguyên Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn Tây Nguyên cho rằng, sự đoàn kết máu thịt quân dân cùng một ý chí và chung niềm tin tất thắng mãnh liệt đã tạo nên sức mạnh tổng hợp thần kỳ trước sự hùng mạnh của quân thù; là yếu tố tiên quyết làm nên những chiến thắng to lớn của ta trên Mặt trận Tây Nguyên, góp phần chuyển dịch về chiến lược, đi đến thắng lợi vĩ đại của Cách mạng miền Nam, thống nhất đất nước. Đặc biệt, với thắng lợi dòn dã trong Chiến dịch Plei Me- Thung lũng Ia Drăng (huyện Chư Prông) vào năm 1965, chúng ta càng khẳng định: Dám đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Ông Phạm Chào- nguyên Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn Tây Nguyên (Quân đoàn 3) cho biết: “Ấn tượng lớn nhất của tôi trong các trận đánh Mỹ đó là tình cảm, đoàn kết máu thịt giữa quân với dân. Nhân dân hỗ trợ đắc lực cho bộ đội. Hàng nghìn người dân giã gạo, lấy nước, nấu cơm hỗ trợ cho bộ đội. Khi bộ đội bị thương trong các trận đánh, cũng chính người dân đến đưa bộ đội về để chăm sóc, cứu chữa. Có những phụ nữ, những bà mẹ già đã gùi đạn, mang nước cho bộ đội. Chỉ có Bộ đội Cụ Hồ, đồng bào Cụ Hồ mới làm được như vậy chứ địch không có điều đó”.

Gia Lai anh hùng đã sinh ra bao người con anh hùng, luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân, một lòng theo Đảng, Bác Hồ như Anh hùng Núp, Wừu, Kpă Klơng, A Sanh… Những vùng căn cứ cách mạng, những làng kháng chiến… đã trở thành những pháo đài bất khả xâm phạm, hội tụ những trầm tích văn hóa, lịch sử cách mạng, rất đáng trân trọng, tự hào!

Và mỗi ngọn núi, dòng suối, con đường; mỗi buôn, làng thấm đẫm xương máu và ý nguyện của cha ông, đã hóa thành những chiến công chói lọi, những tượng đài bất tử…

Như dòng suối cách mạng không ngừng tuôn chảy, quá khứ hào hùng với khát vọng mãnh liệt về hòa bình, độc lập, tự do luôn được kế thừa và tiếp nối, không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực tinh thần cổ vũ cán bộ, quân và dân Gia Lai tiếp tục đoàn kết, “chung lưng đấu cật” viết tiếp bài ca dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp…./.

Hà Đức, R’Piên


Lượt xem: 37

Trả lời