Gia Lai khan hiếm nguồn cung lao động phổ thông và nông nghiệp

Cập nhật 03/10/2016, 09:10:32

Nếu như nguồn cung cử nhân, thạc sĩ ở nhiều ngành đang rất dư thừa, dẫn đến việc hàng trăm ngàn cử nhân sau khi tốt nghiệp không xin được việc làm thì trái lại, thị trường lao động của cả nước lại đang rất cần nguồn lao động phổ thông, lao động có tay nghề…Nhu cầu lao động tại khu vực Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Gia Lai cũng không ngoại lệ và đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung lao động phổ thông và ngành nông nghiệp-một trong những thế mạnh về phát triển kinh tế của địa phương.

3-10-khanhiem

Là một trong những trường chuyên đào tạo các ngành nông-lâm nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm Tp.HCM tại Gia Lai hiện đào tạo 7 chuyên ngành với 350 chỉ tiêu mỗi năm học. Bên cạnh, một số ngành như: Thú y, kế toán…  thu hút đông sinh viên ở các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên và miền Trung theo học thì một số ngành khác vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tên ngành không cao sang bằng những ngành khác rất ít học viên theo học trong khi nhu cầu lao động tuyển dụng lại rất dồi dào.

Em Nguyễn Trường Nhẫn -Sinh viên lớp Lâm nghiệp, Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm Tp.HCM tại Gia Lai cho biết: “Đặc điểm của Gia Lai là tỉnh miền núi nông nghiệp nên sau khi ra trường cơ hội việc làm của em cũng cao hơn nên em chọn học ngành này vì phù hợp với sở thích”.

Bà Nguyễn Thị Thu-Trưởng Ban quản lý đào tạo, Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm Tp.HCM tại Gia Lai cũng cho biết: “Một số ngành là thế mạnh của Gia Lai như: nông học, lâm nghiệp và công nghệ thực phẩm, nhu cầu Gia Lai và Tây Nguyên rất cao. Tuy nhiên, mấy em thấy tên ngành nông nghiệp, lâm nghiệp là sợ đi thực địa khổ nên xu hướng ít nhưng vẫn đủ lớp học. Nam sinh viên năm cuối ở những ngành này, có những đơn vị đến nhận tuyển dụng luôn, thậm chí là cho nợ bằng 1 năm nhưng nguồn vào lại ít hơn những ngành khác”.

Nhu cầu lao động mà các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ… trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là tại Tp.Pleiku đang cần tuyển dụng rất nhiều, đặc biệt là lao động phổ thông, lao động có tay nghề. Trong đó, nhiều nhất vẫn là nhân viên bán hàng, nhân viên phục vụ, thợ sắt, nhôm, kính… Mặc dù, nhu cầu lao động mà doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai rất nhiều, tuy nhiên, do nhu cầu tuyển dụng như vậy nên mỗi năm nguồn cung chỉ mới đáp ứng được trên 1/3 cầu lao động.

Ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Gia Lai nói: Trung tâm hàng năm kết nối trên 500 doanh nghiệp với trên 3.000 vị trí việc làm và chúng tôi kết nối thành công trên dưới 1.000 vị trí việc làm. Tuy nhiên, thị trường lao động hiện nay là các công ty tuyển dụng chủ yếu là trung cấp, cao đẳng, lao động phổ thông các ngành nghề. Riêng trình độ đại học cũng có nhưng với điều kiện là làm việc, mức lương như lao động trung cấp, cao đẳng, tương ứng với việc làm hiện nay của các công ty.

Khi nhu cầu lao động mà các doanh nghiệp cần tuyển chỉ là lao động phổ thông hoặc lao động có tay nghề, không ít sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học tại các trường trong và ngoài tỉnh đã chấp nhận làm trái nghề. Đây chính là một trong những bất cập, lãng phí trong công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm hiện nay.

Thiên Thanh-Kim Châu -Đặng Trà

 


Lượt xem: 257

Trả lời