Gia Lai họp Ban Chỉ đạo thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp

Cập nhật 20/9/2019, 18:09:02

Chiều 20/9, Ban Chỉ đạo thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển đổi cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng theo Kế hoạch 1123 của UBND tỉnh đã họp bàn việc thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm từ năm 2017 đến nay và việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Kế hoạch 1123 của UBND tỉnh. Đồng chí Kpah Thuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ trì cuộc họp.

Theo báo cáo tại cuộc họp, đến thời điểm này các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện việc vận động người dân tự nguyện kê khai diện tích đất nương rẫy đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp được trên 28.327 ha; diện tích trồng rừng trong 2 năm 2017-2018 được trên 13.000 ha; diện tích đăng ký trồng rừng năm 2019 trên 5.000 ha.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo, các địa phương đã nêu lên một số khó khăn, vướng trong việc thu hồi đất rừng như: Khó tiếp cận các đối tượng lấn chiếm đất rừng; lực lượng hỗ trợ trong công tác thu hồi đất tại cơ sở còn mỏng, vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân đối với diện tích đất rừng đã được kê khai…

Đối với dự thảo của Sở Nông Nghiệp và PTNT về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Kế hoạch 1123 nhiều ý kiến cơ bản đồng ý với việc điều chỉnh này. Tuy nhiên, cần tính toán điều chỉnh kế hoạch sát với thực tế, tìm ra loại cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp, cần cân đối nguồn kinh phí để không bị động trong việc xây dựng nguồn quỹ bảo vệ phát triển rừng…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpah Thuyên, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng cần phân tích kỹ những tồn tại trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch 1123 khiến tiến độ công tác thu hồi đất rừng lấn chiếm cũng như việc trồng rừng triển khai chậm. Đối với việc điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch 1123, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpah Thuyên nhấn mạnh đây là việc làm rất cần thiết trong việc triển khai thu hồi đất rừng bị lấn chiếm cũng như việc trồng rừng từ nay đến năm 2025. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpah Thuyên giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Tài Chính và Sở Kế hoạch bàn giải pháp cụ thể trong báo cáo điều chỉnh, đặc biệt phải đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân. Bên cạnh đó cần có giải pháp lồng ghép triển khai các chương trình hỗ trợ cho người dân trồng rừng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra diện tích trồng rừng năm 2017-2018, triển khai rừng trồng năm 2019.

Lê Thư; Minh Trí


Lượt xem: 16

Trả lời