Gia Lai đề ra nhiều giải pháp quyết tâm kéo giảm tai nạn giao thông

Cập nhật 18/4/2017, 08:04:29

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp, song quý I/2017, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn tiếp tục tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có không ít vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, làm chết nhiều người. Trước nhiệm vụ yêu cầu đề ra, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông Quý I vừa tổ chức, Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng Ban An toàn Giao thông tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành đã đề nghị cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa với quyết tâm kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian tới.

60 vụ tai nạn giao thông, làm chết 68 người, bị thương 67 người xảy ra từ ngày 16/12/2016 đến hết ngày 10/4/2017 cho thấy những diễn biến phức tạp trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Trong đó có 9/17 địa phương có số người chết tăng cao gồm: Đak Đoa, Ia Pa, Mang Yang, Krông Pa, Kbang, Chư Prông, Chư Pưh và thị xã An Khê, Ayun Pa. Đặc biệt, vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 18/3 trên Quốc lộ 19 tại Km 121 + 600, thôn Nhơn Thọ, xã Đak Tley, huyện Mang Yang khiến 3 người tử vong và nhiều người bị thương khi xe chở học sinh không làm chủ tốc độ tông vào xe tải là hồi chuông báo động về thực trạng xe chở học sinh mất an toàn cần được kiểm soát chặt chẽ.

Đ/C Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng Ban An toàn Giao thông tỉnh Gia Lai chỉ đạo: “Sở Giao thông Vận tải cần tổng điều tra các loại xe chuyên chở học sinh này xe đã đủ điều kiện hoạt động chưa. Nếu không đủ điều kiện cần kiên quyết dừng ngay. Chúng ta lấy mạng sống con người là trên hết chứ không nên thương người ta vì lợi nhuận bản thân mà coi nhẹ tính mạng người khác”.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành, để kiềm chế tai nạn giao thông thời gian tới, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, ngoài việc xử lý nghiêm tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ thì cần làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong thanh thiếu niên, nhất là thanh thiếu niên dân tộc thiểu số. Linh hoạt triển khai các giải pháp phòng ngừa tai nạn giao thông.

Đ/C nhấn mạnh: “Bây giờ công an đang có đề án lắp đặt các camera an ninh và tại Chư Pah, Đak Đoa đã làm rồi nhưng chưa nhiều. Theo tôi việc lắp đặt camera rất hiệu quả góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tôi đề nghị các địa phương tính toán bằng nguồn ngân sách của mình, bằng các nguồn xã hội hóa, trước hết là làm ở các tuyến đường trọng điểm thường xuyên xảy ra tai nạn, nhất là các trục quốc lộ. Kiểm tra, kiểm soát lại các biển báo giao thông, điểm đen là phải có biển cảnh báo hết sức nghiêm túc”.

Đề cập đến vấn đề nổi cộm hiện nay đó là tình trạng xe quá khổ quá tải đang hoành hành trên các tuyến đường, đồng chí Võ Ngọc Thành đề nghị Công an tỉnh và Sở Giao thông Vận tải cần phải phối hợp tốt hơn nữa và đề ra các giải pháp căn cơ để thực hiện.

     “Tôi đề nghị ngành Công an và ngành Giao thông cần phải rút kinh nghiệm, phải ngồi lại với nhau để đánh giá, rút kinh nghiệm cụ thể. Cái gì chưa được là phải sửa ngay, bởi sau khi rút lực lượng tại Trạm kiểm tra tải trọng lưu động số 55 tại thị xã An Khê thì đẻ ra rất nhiều chuyện trọng đó tình hình quá khổ quá tải, phá đường tăng lên rất cao. Như vậy nguyên nhân là gì và phải quyết liệt xử lý ra sao, phải có giải pháp thật cụ thể để chúng ta xử lý”.

Ngoài ra, chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm tình trạng xe độ chế; xe công nông chở người lưu thông trên quốc lộ; người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, chở quá số người quy định; phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng là các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông.


Lượt xem: 49

Trả lời