Gia Lai đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh

Cập nhật 15/9/2020, 14:09:29

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Gia Lai đã có sự chuyển biến mạnh mẽ với nhiều sản phẩm nông sản đã có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Có thể khẳng định rằng, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp được xem là công cụ đắc lực giúp nâng cao giá trị kinh tế, tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản trên thị trường, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp phát triển, góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân.

Gạo Phú Thiện chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) trao nhãn hiệu chứng nhận vào cuối năm 2019.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Đak Đoa, diện tích trồng khoai Lệ Cần trên địa bàn huyện hiện đã tăng lên đến 600 ha và nhờ những chính sách hỗ trợ của tỉnh cũng như của huyện, sản phẩm khoai lang Lệ Cần đã  ngày càng khẳng định được giá trị, chất lượng với người tiêu dùng. Đặc biệt, với việc được công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao, khoai lang Lệ Cần đang đứng trước cơ hội để xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý để từng bước đưa sản phẩm vươn xa hơn nữa ra thị trường. Đồng thời đây cũng là tín hiệu khẳng định cho sự nỗ lực của địa phương trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu khoai Lệ Cần từ nhiều năm nay.

Ông Nguyễn Trình – Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Tân Bình, huyện Đak Đoa cho biết: “Các thành viên trong HTX làm theo quy trình hướng dẫn và kế hoạch đề ra của HTX; từ khâu làm đất, thu hoạch, đưa đến địa điểm kho bãi rồi đưa đi tiêu thụ. HTX cũng mong huyện, tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ nguồn đất, chẳng hạn như đất cao su tái canh cho HTX thuê lâu dài để có điều kiện đầu tư”.

Cũng như sản phẩm khoai lang Lệ Cần, hạt gạo Phú Thiện nay đã được nâng cao lên một bước cả về vị thế và giá trị sản phẩm kể từ khi chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) trao nhãn hiệu chứng nhận vào cuối năm 2019. Và kết quả có được này nhờ những đột phá trong tư duy, liên kết sản xuất của các HTX kiểu mới ở địa phương; trong đó có HTX Nông nghiệp Chư A Thai ở xã Ia Ake. Việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm đã và sẽ góp phần tạo dựng được niềm tin cho người tiêu dùng và sự yên tâm cho người sản xuất; tuy nhiên để nhãn hiệu “Gạo Phú Thiện” phát triển có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, vấn đề được địa phương và HTX quan tâm, chú trọng đó là tiếp tục ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và chế biến; mở rộng quy mô, diện tích trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; chấp hành quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu sản phẩm để góp phần giữ vững thương hiệu gạo.

Ông Phạm Ngọc Nghĩa – Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện cho biết: “HTX Chư A Thai được giao nhiệm vụ liên kết với các DN và các công ty lớn trong cũng như ngoài tỉnh để làm sao tuyển chọn những bộ giống tốt nhất, tham mưu cho huyện và xã quy hoạch cánh đồng lớn một giống để đưa 1 số giống lúa sản xuất ra gạo có chất lượng cao để đưa ra thị trường.  Thứ hai là HTX cũng đã xây dựng và thiết kế các mẫu mã bao bì, đăng ký vấn đề tem chiết xuất nguồn gốc để bảo vệ thương hiệu Gạo Phú Thiện”.

Tỉnh Gia Lai hiện có 10 sản phẩm đang được xây dựng nhãn hiệu đăng ký dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, còn có 07 sản phẩm đã và đang được xây dựng nhãn hiệu đăng ký như: Phở khô Gia Lai, khoai lang Lệ Cần-Đak Đoa, rau An Sơn-Đak Pơ, chôm chôm Ia Grai; chỉ dẫn địa lý gạo Ba Chăm-Mang Yang, cà phê Gia Lai và chanh dây Gia Lai. Bên cạnh đó, 03 sản phẩm đặc trưng của tỉnh gồm: Gạo Phú Thiện, rau An Khê và hồ tiêu Chư Sê cũng đang được thực hiện quản lý phát triển quyền sở hữu công nghiệp.

Ông Nguyễn Trường – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ cũng cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với Sở KH&CN để xây dựng nhãn hiệu rau An Sơn. Có được nhãn hiệu rau đó thì chúng tôi xem như là 1 điều kiện tốt để mở rộng, củng cố sản phẩm trên địa bàn huyện; từ đó xây dựng một cách chắc chắn hơn vùng nguyên liệu rau trên địa bàn”.

Thực tế cho thấy, bên cạnh việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm thì “bài toán” giữ vững và phát triển nhãn hiệu cũng là vấn đề nan giải, đòi hỏi các địa phương, các HTX cần phải xây dựng và thực hiện đúng quy chế quản lý sử dụng nhãn hiệu; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất và  giám sát chất lượng sản phẩm. Đồng thời công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực cũng cần chú trọng đến vai trò của doanh nghiệp, phát triển thương hiệu gắn với chuỗi giá trị, thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức tập thể, người dân nhằm tạo sự ổn định và bền vững./.

 

Mỹ Tiến – R’Piên – Minh Trí – Huy Toàn


Lượt xem: 138

Trả lời