Gia Lai chủ động ứng phó với thiên tai, bão lụt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật 04/6/2014, 15:06:15

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, từ năm 2000 đến năm 2013, thiên tai, lũ lụt xảy ra trên địa bàn đã làm hơn 20 người thiệt mạng, gây thiệt hại tài sản gần 840 tỷ đồng, trong đó, đỉnh điểm là năm 2009, thiên tai, bão lụt đã gây thiệt hại ước tính hơn 550 tỷ đồng… Vì vậy, nâng cao năng lực phòng tránh, ứng phó với thiên tai cho cộng đồng nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng sẽ góp phần giảm thiểu những thiệt hại mà thiên tai gây ra, giúp đồng bào có cuộc sống ổn định và phát triển bền vững.

 

Sông Ba mùa lũ năm 2013.

 

Với đặc thù khí hậu cận vùng Duyên Hải, thời gian gần đây, các huyện phía Đông Nam tỉnh Gia Lai, trong đó có huyện Krông Pa luôn phải đối mặt với những biến đổi thất thường về dòng chảy do mưa lũ gây ra… Ngoài nỗi buồn mất đất đai, nhà cửa, ruộng vườn, bà con tại xã Chư RCăm còn đau lòng bởi sông Ba đã cuốn đi nhiều ngôi mộ của họ hàng, tổ tiên.

 

Anh Rơ Ô Thuyên, buôn Hlang, xã Chư RCăm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai tâm sự: Mộ trước nhiều lắm, có hơn 30 cái mà giờ nó trôi chỉ còn lại số mới đây thôi. Bà con chỉ còn biết đứng nhìn vì nước nó trôi mạnh quá, chỉ biết khóc thôi chứ không làm gì được.

 

Qua phân tích chuỗi số liệu quan trắc khí thượng thủy văn cho thấy, những năm gần đây, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai có những dấu hiệu về sự biến động không theo quy luật chung của thời tiết, thủy văn. Hiện tượng mưa với cường độ lớn xuất hiện nhiều hơn, thời gian không có mưa liên tục cũng kéo dài hơn. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những hiện tượng cực đoan của thời tiết là nạn chặt phá rừng trái phép… Khi mưa lũ lớn xảy ra, việc xả lũ của các hồ chứa thủy điện cũng là tác nhân gây ra hậu quả thiệt hại… Bên cạnh đó, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tại khu vực vùng sâu, vùng xa, địa hình bị chia cắt, do đó, thông tin dự báo thiên tai, cũng như khả năng ứng phó với thiên tai của người dân vẫn còn hạn chế…

Trao đổi với chúng tôi ông Trần Trung Thành, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên nói: Ứng phó với thiên tai chúng ta phải quan tâm tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đấy là những vùng dễ bị tổn thương nhất. Muốn được như vậy, trước hết chúng ta phải tuyên truyền nâng cao ý thức cho họ để họ biết được, nhận dạng được và biết cách để họ ứng phó khi mình báo có thời thiết nguy hiểm xảy ra.

 

Mùa mưa 2014 tại Tây Nguyên đã bắt đầu. Để chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai tại các vùng trọng điểm, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ban chỉ đạo phòng chống giảm nhẹ thiên tai tỉnh Gia Lai chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng cần tập trung thực hiện có hiệu quả mô hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nhân, vật lực theo phương châm “4 tại chỗ” là: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Tổ chức lực lượng ứng trực ở những nơi thường xuyên bị lũ cô lập, lũ quét, sạt lỡ đất, nhất là vùng ven sông suối, sườn đồi, hồ, đập để di dời dân đến nơi an toàn trong trường hợp cần thiết, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân./.

Song Nguyễn-Đoàn Bình


Lượt xem: 95

Trả lời