Gia Lai chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc

Cập nhật 28/3/2019, 08:03:25

Mặc dù đến nay tỉnh Gia Lai chưa xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, song công tác phòng chống, ngăn ngừa bệnh lây lan vào địa bàn vẫn đang được cơ quan chức năng tích cực triển khai thực hiện. Song song với việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra vào tỉnh, các biện pháp phòng bệnh cho đàn heo trong tỉnh cũng được cơ quan chuyên môn, hộ chăn nuôi đặc biệt quan tâm, đảm bảo đàn heo phát triển khỏe mạnh, cung ứng nguồn thịt heo chất lượng để người tiêu dùng yên tâm sử dụng.

Nếu như trước đây, trang trại chăn nuôi heo của chị  Huỳnh Thị Tuyết Loan ở Thôn 2, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku chỉ phun thuốc khử trùng, tiêu độc 3 lần trong tuần thì cả tháng nay  phải thực hiện đều đặn mỗi ngày, đồng thời kết hợp với vệ sinh chuồng trại, đảm bảo khu chăn nuôi được sạch sẽ. Đó là đối với đàn heo thịt hơn 200 con, còn đối với heo con cũng đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, công tác phòng dịch trước, trong và sau khi nhập về được thực hiện theo đúng quy trình chăn nuôi.

Bà  Loan cho biết: “ Hiện tại thì trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi nhưng quá trình chăn nuôi cũng không chủ quan. Công tác phòng dịch đều được thực hiện đầy đủ từ đàn heo thịt đến heo con nhập về. Vì vậy heo xuất bán ra thị trường đảm bảo chất lượng”.

Theo thống kê trên địa bàn tỉnh hiện có tổng đàn heo khoảng 446 ngàn con với 123 trại chăn nuôi tập trung và 47.388 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trước những diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, công tác phòng bệnh trên đàn heo trong tỉnh cũng được đặc biệt quan tâm.

Bà Nguyễn Thị Linh Chi – Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai cũng cho biết: “Để phòng ngừa bệnh dịch tả lợn Châu Phi thời gian qua Trung tâm dịch vụ nông nghiệp đã thường xuyên tốt chức giám sát, kiểm tra tình hình chăn nuôi, dịch tễ trên địa bàn. Khi phát hiện động vật mắc bệnh thông thường cán bộ thú y xây dựng phác đồ điều trị. Đối với các triệu chứng nghi ngờ bệnh nguy hiểm, sẽ phối hợp xử lý nhanh, dứt điểm. Đến nay TTDVNN đang triển khai phun 250l hóa chất cho các hộ chăn nuôi”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định 3 nguyên nhân gây ra bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Nguyên nhân chính là một số người chăn nuôi, thương lái mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh. Nguyên nhân này chiếm 36%. Hai nguyên nhân còn lại, trong đó 25% do con người và phương tiện vận chuyển chưa đảm bảo yêu cầu sát trùng; 39% do sử dụng thức ăn dư thừa trong chăn nuôi chưa qua xử lý nhiệt. Trong điều kiện hiện nay, đối với hộ chăn nuôi, cơ quan chuyên môn khuyến cáo nên áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi để bảo vệ đàn heo trước nguy cơ nhiễm bệnh, đảm bảo cung ứng nguồn thịt heo chất lượng để người tiêu dùng yên tâm sử dụng.

Hồng Uyên, Duy Linh


Lượt xem: 71

Trả lời