Gia Lai cần quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại

Cập nhật 06/10/2023, 10:10:49

Tỉnh Gia Lai đang đứng đầu cả nước về số ca tử vong do bệnh dại với 11 ca từ đầu năm 2023 đến nay, chiếm 16% so với cả nước. Một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống bệnh dại đó là tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo phải đạt ít nhất từ 70% trở lên/tổng số đàn; đối với người dân chẳng may bị chó, mèo cắn phải được tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tuy nhiên cả 2 điều kiện trên, tỉnh Gia Lai đều đạt quá thấp dẫn đến những ca tử vong đáng tiếc xảy ra.

11 ca tử vong do bệnh dại từ đầu năm đến nay tại Gia Lai có tới 10 ca đã bị chó cắn nhưng không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, còn 1 ca có tiêm nhưng lại không đủ liều. Điều này xuất phát từ ý thức của người dân còn xem nhẹ công tác phòng, chống bệnh dại.

Ông Nguyễn Văn Đồng – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết: “Ý thức người dân vẫn còn xem thường các thú nuôi trong nhà cắn, chưa tiếp cận với y tế sớm nhất để tiêm vắc xin ngừa dại ngay từ đầu. Tuyên truyền của bệnh dại mang tính chất đồng bộ trên toàn tỉnh cũng như toàn quốc rất ít và chưa góp phần nâng cao ý thức của người dân.”

Bên cạnh ý thức phòng, chống bệnh dại chưa được chú trọng từ phía người dân thì công tác tiêm phòng vắc xin  cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đạt tỷ lệ rất thấp. Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh mới chỉ tiêm được 40 ngàn liều vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, đạt 16% trên tổng đàn. Trong khi đó, nhiều hộ nuôi chó, mèo không chủ động đưa động vật đi tiêm mà hoàn toàn trông chờ vào các đợt ra quân tiêm phòng từ phía các ngành chức năng.

Ông Phạm Văn Ngọc – Phường Thống Nhất, TP. TP. Pleiku nói: “Tôi nuôi chó đã lâu nhưng chưa có tiêm phòng, hôm nay tổ chức tiêm phòng ngừa cho chó, tôi cũng nhất trí, mong chương trình kéo dài để diệt được bệnh chó dại.”

Em Phan Thanh Ngân – Học sinh Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku nói: “Thường một số nơi vẫn có chó thả rông, có con hiền nhưng có con rất là hung dữ, lỡ mà nó cắn mình thì rất là nguy hiểm nên là em mong mọi người nuôi chó, mèo nên tiêm vắc xin cho chó hoặc là có những biện pháp phòng ngừa như đeo rọ mõm hoặc là xích nó lại.”

Giai đoạn từ 2018 – 2022, toàn tỉnh Gia Lai có 26 trường hợp tử vong do bệnh dại, xảy ra tại Tp. Pleiku và 9 huyện. Địa phương là một trong các tỉnh trong nước có số ca tử vong liên tiếp qua các năm và cao nhất khu vực Tây Nguyên. Trong khi đó bệnh dại trên người chỉ có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương – Trưởng Văn phòng Chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại – Bộ Y tế trao đổi: “Đối với công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật thì làm thế nào đó chúng ta phải phối hợp liên ngành để có thể quản lý được đàn chó, đánh giá được tổng đàn chó trên địa bàn được bao nhiêu sau đó chúng ta phải làm công tác tiêm chủng cho đàn chó yêu cầu đảm bảo tối thiểu đạt 70%/tổng đàn chó trên địa bàn được tiêm vắc xin phòng dại thì chúng ta mới có thể khống chế được bệnh dại và nếu như mà chúng ta duy trì liên tiếp được 3 năm thì sẽ không có tình hình bệnh dại trên động vật xảy ra và khi mà không có bệnh dại trên động vật xảy ra thì sẽ không có tình trạng lây lan bệnh dại từ chó, mèo sang người khi bị cắn.”

Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 nhằm đạt mục tiêu không còn người tử vong do bệnh dại tại Việt Nam. Để đạt mục tiêu này, tỉnh Gia Lai cân quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể và ý thức cao của toàn xã hội trong công tác phòng, chống bệnh dại.

Lệ Xuân – Mạnh Hà


Lượt xem: 3

Trả lời