Gia Lai: Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Cập nhật 23/11/2021, 17:11:49

Vinh dự là địa phương có số lượng cồng chiêng đứng đầu 5 tỉnh Tây Nguyên; sở hữu nhiều sắc màu văn hóa độc đáo của cộng đồng Bahnar, Jrai bản địa, những năm qua, với quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần, tạo động lực phát triển xã hội; “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tỉnh Gia Lai đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Bảo tồn văn hóa trong sự phát triển, bảo tồn có chọn lọc; bảo tồn gắn với khai thác và phát huy giá trị di sản – đó được đánh giá là hướng đi phù hợp, đem lại hiệu quả tích cực cho Gia Lai trong bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống Tây Nguyên nói chung, cồng chiêng nói riêng.

Trong ngôi nhà sàn, bộ chiêng cổ được truyền lại qua 3 thế hệ được nghệ nhân Nay Phai xem là báu vật của gia đình, dù đã có người trả cả trăm triệu đồng nhưng ông nhất quyết không bán.

 Từng chứng kiến cảnh người dân trong làng bỏ chiêng, đua nhau bán cồng chiêng với giá của đồng nát với nỗi xót xa, nghệ nhân Nay Phai ra sức thu mua, rồi cùng với chính quyền địa phương tìm cách vận động, khuyến khích bà con sử dụng lại cồng chiêng. Thật vui, sau một thời gian cồng chiêng ở buôn làng ông như được hồi sinh, bất kỳ lễ hội nào cũng có tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên. Huyện Krông Pa cũng xác định, gắn với công tác bảo tồn là phát huy giá trị văn hóa truyền thống trở thành sản phẩm du lịch để thu hút du khách.

Nghệ nhân Ưu tú Nay Phai, Thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa chia sẻ: “Chúng tôi là người dân tộc Tây Nguyên, chúng tôi đã khôi phục lại văn hóa truyền thống như: dệt thổ cẩm, rượu cần; mừng nhà mới , phát triển về di sản văn hóa cồng chiêng, chúng tôi phải giữ nguyên vẹn đúng như thời cha ông để lại. Tôi là nghệ nhân ở đây mấy mươi năm, tôi đã truyền đạt cho con em giữ lại văn hóa, tôi mong muốn du khách sẽ đến với chúng tôi nhiều hơn”.

Một đợt kiểm kê cồng chiêng với quy mô toàn tỉnh đã được Sở VH-TT&DL Gia Lai thực hiện vào tháng 3/2020. Kết quả đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Đó là các xã có số lượng cồng chiêng nhiều như: xã Ia O, Ia Chía, Ia Krái…, huyện Ia Grai vẫn còn lưu giữ trên 200 bộ cồng chiêng, trong đó có nhiều chiêng quý; một số huyện như: Kông Chro, Krông Pa số lượng cồng chiêng đã tăng lên trong cộng đồng.

Đáng mừng hơn, cồng chiêng vẫn giữ một vị trí chủ đạo vốn có trong các sinh hoạt văn hóa dân gian của đồng bào;  lớp trẻ cũng đã tích cực hơn trong việc học tập, tiếp nối văn hóa truyền thống của cha ông.

Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Trưởng phòng VH-TT huyện Kông Chro cho biết: “Qua đợt năm 2020 thì số lượng là gần 540 bộ, tăng gần 80 bộ, với 8522 chiếc; số lượng này tăng 2/3 là ở cộng đồng. Nói chung là  cộng đồng ý thức được mình phải có một bộ chiêng chung để sử dụng chung trong các lễ hội của làng, và tăng 1/3 là ở các hộ nghệ nhân họ yêu thích cồng chiêng, họ tự trang bị cho mình một đến hai, ba bộ để họ luân chuyển trong việc trình diễn cũng như trong việc truyền dạy”.

Sau 15 năm được vinh danh là di sản văn hóa của thế giới, Gia Lai đã chú trọng khai thác các yếu tố của Không gian văn hóa cồng chiêng để phát triển du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng; kết hợp lễ hội với các di sản thiên nhiên, giúp bà con Jrai, Bahnar vừa bảo tồn văn hóa vừa tiếp cận, phát triển kinh tế với cách làm du lịch đầy mới mẻ.

Thạc sĩ  Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Di sản Văn hóa, Sở VH-TT & DL tỉnh Gia Lai cho biết: “Chúng ta thấy cách thức mà chúng ta ứng xử với cồng chiền cũng khác rất nhiều, tất cả các nghi lễ không chỉ ở làng mà ở cấp tỉnh cũng xuất hiện rất nhiều. Cái mà chúng tôi vừa làm, điều tra cồng chiêng,  qua bảng thống kê thì biết được rằng số lượng là như thế nhưng có bao nhiêu phần trăm được sử dụng, qua đó có xuất UBND tỉnh có một cơ chế, chính sách, kế hoạch cụ thể về.  Dự án tổng thể cho Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, trong đó, bao gồm có đào tạo, sưu tầm nghiên cứ, có bảo tồn phát huy; có phát triển các làng là điểm điểm du lịch có sử dụng cồng chiêng như là một sản phẩm văn hóa”.

Lấy văn hóa làm nền tảng để phát triển, tỉnh Gia Lai luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống; địa phương sẽ tăng cường hơn nữa sự quan tâm đến các cộng đồng dân cư là chủ thể văn hóa cồng chiêng bằng những việc làm, chương trình hành động phù hợp. Đặc biệt hơn, phát huy thành tựu đạt được, tỉnh Gia Lai đang có nhiều giải pháp xây dựng thương hiệu Festival cồng chiêng tại Gia Lai. Đây được kỳ vọng sẽ là thành tố quan trọng, góp phần làm nên sức sống bền vững cho di sản cồng chiêng Tây Nguyên./.

 Kim Ngân, Viễn Khánh


Lượt xem: 57

Trả lời