Gia Lai Ban hành Chỉ thị về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025

Cập nhật 06/5/2020, 08:05:50

Ngày 4/5/2020, UBND tỉnh Gia Lai đã Ban hành Chỉ thị số 09 về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) 5 năm giai đoạn 2021-2025. Chỉ thị nêu rõ, Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016-2020 trên tất cả các lĩnh vực. Do đó Chỉ thị yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp nghiên cứu, xác định các vấn đề cơ bản của Kế hoạch KTXH 5 năm 2021-2025.

Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là tiếp tục phát triển KTXH nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế thị trường. Tập trung phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch. Tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là thành phố Pleiku và các khu vực có khả nang phát triển cao để thúc đẩy phát triển các vùng, địa phương tròn toàn tủnh. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực kinh tế. Xây dựng Gia Lai trở thành trung tâm của khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam.

Mục tiêu chủ yếu là phấn đấu tốc tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng bình quân 9,5% trở lên; phấn đấu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh đến năm 2025 nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành có chỉ số PCI tốt nhất cả nước; Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh (theo chuẩn giai đoạn 2016-2020) đến năm 2025 giảm xuống dưới 1%; đến năm 2025 có 120 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chỉ thị cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch theo các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu:

Thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, tăng cường thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động, thông minh. Phát triển công nghiệp chế biến, ưu tiên tập trung phát triển các nhà máy chế biến sản phẩm từ nông nghiệp; phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp năng lượng tái tạo phù hợp với lợi thế của tỉnh. Hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Triển khai các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động xuất khẩu…Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025.

Tăng cường huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư và hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) để tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, có hệ thống, có trọng điểm, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn và trục giao thông đầu mối.

Đảm bảo khai thác các nguồn thu địa phương một cách hợp lý tích cực, bền vững phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của từng địa phương. Phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng bình quân từ 11-13%.

Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kĩ năng, trình độ chuyên môn cao.

Phát triển văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa đạng. Đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Trên cơ sở các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu nêu trên, các sở, ban, ngành, địa phương cụ thể hóa các cơ chế, giải pháp,chính sách để thực hiện thành công kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025. Cơ chế, giải pháp, chính sách phải đảm bảo sự thống nhất về các nguyên tắc, mục tiêu chung, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành và từng địa phương./.

BT: Lê Thư


Lượt xem: 136

Trả lời