Gia Lai 45 năm sau giải phóng. Phóng sự 2: Đánh thức tiềm năng, lợi thế khu vực phía Tây

Cập nhật 30/4/2020, 09:04:41

Để có được những thành tựu đáng tự hào sau 45 năm giải phóng, ngoài các chương trình do trung ương đầu tư, Gia Lai đã thành công với những định hướng phát triển phù hợp dựa trên các điều kiện, tiềm năng, thế mạnh của từng vùng. Đối với khu vực phía Tây của tỉnh, một trong những điểm sáng về phát triển – kinh tế xã hội là thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực với nhiều dự án được đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp – công nghiệp, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội trong khu vực ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Nằm trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam nên Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh được Chính phủ 3 nước đặc biệt quan tâm. Hiện tại, khu vực này rất có tiềm năng để phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, xuất nhập khẩu nông sản; phát triển các ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ. Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển du lịch tại đây cũng đang mở ra với những kỳ vọng lớn.

Để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, môi trường đầu tư kinh doanh tại đây ngày càng được cải thiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư.

Ông Bùi Thiên Ấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Mẫn cho biết: “Qua sự chỉ đạo, giúp đỡ của UBND tỉnh cũng như chính quyền địa phương thì đã tạo điều kiện để cho doanh nghiệp phát triển, đồng hành với khu kinh tế, càng ngày càng phát triển hơn. Chẳng hạn như Nhà nước, UBND tỉnh cho doanh nghiệp thuê đất, không thu thuế trong vòng 13 năm, rồi tạo mọi điều kiện về cơ sở hạ tầng để cho doanh nghiệp gắn bó và phát triển tại Khu công nghiệp cửa khẩu quốc tế này”.

Để khai thác thế mạnh về phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm, những năm qua Gia Lai đã quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kêu gọi đầu tư các dự án chế biến sâu. Đến nay đã có một số nhà máy đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả kinh tế tích cực, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển sản xuất ổn định.

Ngoài các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thì công nghiệp điện năng với các dự án phát triển năng lượng tái tạo cũng đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Hiện tại đã có một số dự án điện gió đang được triển khai với nhiều hứa hẹn sẽ tạo nên những cú hích mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế khu vực phía Tây của tỉnh khi các tiềm năng, lợi thế vùng được khai thác có hiệu quả.

 Ông Hồ Tá Tín, Phó Chủ tịch Hội đồng Quảng trị Công ty Cổ phần Phong điện HBRE Gia Lai đánh giá: “Gia Lai là một trong những tỉnh có tiềm năng gió lớn nhất Tây Nguyên. Giao thông thuận lợi, nguồn gió ổn định, môi trường đầu tư Gia Lai mở cho nhà đầu tư. Tôi nghĩ đó là những yếu tố thuận lợi cho nhà đầu tư khi đến Gia Lai đầu tư. Đầu tiên dự án điện gió sẽ mang lại lợi ích cho xã hội, đó là năng lượng tái tạo, không gây ô nhiễm môi trường và đóng góp nguồn ngân sách cho địa phương khá lớn. Đây là dự án điện gió đầu tiên là minh chứng cho vấn đề chào mời, kêu gọi nhà đầu tư của tỉnh”.

Ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết: “Hiện nay, tỉnh đã cấp cho các nhà đầu tư để nghiên cứu là gần 180 dự án, trong đó điện gió là 112 dự án, còn lại là 68 dự án điện mặt trời. Công suất khoảng 25 ngàn MW, đây là một tiềm năng lớn. Nếu 25 ngàn MW, 1 mê là 1 triệu đô thì lượng tiền về đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn là rất lớn, giá trị sản xuất điện CN sẽ thay đổi nền kinh tế của tỉnh rất lớn, tăng nguồn thu NS địa phương”.

 Hồng Uyên – Đoàn Bình –  R’Piên – Thanh Sáng

 


Lượt xem: 33

Trả lời