Giá chanh dây tăng cao, nông dân yên tâm tái đầu tư cho sản xuất

Cập nhật 24/4/2022, 08:04:28

Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, giá chanh dây trên thị trường liên tục tăng và hiện đang duy trì mức giá ổn định khoảng 15 đến 16 nghìn đồng/kg đối với chanh múc và khoảng 45 nghìn đồng/kg đối với chanh xuất khẩu sang châu Âu. Với mức giá này, người trồng chanh dây đang thu được lãi khá cao, có nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình và có điều kiện để tái đầu tư cho sản xuất.

Gia đình chị Nguyễn Thị Chiền ở Thôn 5, xã Ia Pal, huyện Chư Sê có 4 sào chanh dây đang bắt đầu cho thu hoạch. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi cũng như được đầu tư, chăm sóc tốt nên vườn chanh dây của chị trái sai, bóng, đẹp. Với 4 sào đất trồng chanh dây, gia đình chị Chiền dự kiến có thể thu được khoảng 5 tấn quả. Cùng với năng suất đạt cao, giá chanh trên thị trường cũng đang ở mức cao nên gia đình chị rất phấn khởi. Theo tính toán ban đầu, với giá chanh múc trên thị trường hiện đang được thu mua với mức 15 nghìn đồng/kg, vụ này gia đình chị Chiền có thể thu được gần 80 triệu đồng. Nếu so với các loại cây trồng khác trên cùng diện tích thì cây chanh dây hiệu quả hơn nhiều.

Chị Nguyễn Thị Chiền, Thôn 5, xã Ia Pal, huyện Chư Sê cho biết: “Giá cả hiện nay cũng được so với tiêu, cà phê. Hàng ngày được 1 tạ đến 1 tạ rưỡi. Bà con lúc nào cũng mong giá cả ổn định. Bữa nay lên được như thế này rất là mừng, bỏ công chăm sóc. Vì vật tư cũng tăng giá, công cũng tăng nên được như thế này rất là phấn khởi”.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cùng với việc Trung Quốc đóng cửa khẩu trong một thời gian dài để phòng dịch nên thời gian qua, nhiều loại nông sản trên địa bàn tỉnh cũng như trong cả nước gặp khăn trong tiêu thụ. Tuy nhiên, ngược lại tình hình tiêu thụ mặt hàng chanh dây lại khá lạc quan, từ năm 2021 đến nay, giá chanh dây trên thị trường liên tục được duy trì ở mức cao, giá chanh múc giao động trong khoảng 12-15 ngàn đồng/kg. Còn chanh xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 21 ngàn đồng/kg, sang châu Âu khoảng 45 ngàn đồng/kg. Do đó, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư để phát triển diện tích loại cây này. Tuy nhiên, theo ghi nhận, các hộ dân cũng mở rộng diện tích một cách chừng mực, trồng theo kiểu thăm dò, không ồ ạt vì lo ngại những diễn biến xấu từ thị trường.

Bà Trịnh Thị Mười, Thôn trưởng Thôn 5, xã Ia Pal, huyện Chư Sê cũng nói: “Nông dân mỗi người trồng 1 trăm, hai trăm cây, nhà nhiều thì trồng 400 – 500 cây. Giá như hiện giờ, được 15 – 16 nghìn đồng thì phát triển kinh tế rất tốt. Hiện giờ nông dân vẫn trồng tự phát, giống thì đang tự mua. Mong các doanh nghiệp liên kết để thu mua cho người dân được nhiều hơn”.

Bà Rah Lan H’Đinh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pal, huyện Chư Sê cho biết: “Địa bàn xã, thời gian qua một số cây trồng chủ lực như cà phê, tiêu thì giá bấp bênh nên người dân cũng chuyển sang trồng các loại cây trồng khác, như chanh dây thì nhiều người trồng. Cũng mong muốn doanh nghiệp liên kết để người dân trồng, có đầu ra đảm bảo, tăng thu nhập để phát triển kinh tế gia đình”.

Hiện nay, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, một số doanh nghiệp đã triển khai hoạt động liên kết với người dân để trồng và tiêu thụ chanh dây. Qua đó đã góp phần phát triển ổn định và bền vững loại cây trồng được xem là lợi thế và có nhiều tiềm năng để mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Với hướng đi đúng đắn và được triển khai chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sẽ giúp cây chanh dây nâng cao được vị thế trong các loại cây trồng hiện nay trên địa bàn tỉnh.

Ngọc Hà, R’Piên


Lượt xem: 31

Trả lời