Giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới ở vùng DTTS

Cập nhật 28/11/2020, 10:11:47

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên ngành giáo dục cả nước triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Dù gặp không ít khó khăn khi bắt tay thực hiện chương trình, song nhiều đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn và chịu khó tìm tòi phương pháp giảng dạy phù hợp với thực tế học sinh của nhà trường.
Tại những trường tiểu học ở vùng đặc biệt khó khăn của huyện Chư Pah, các thầy cô giáo đã có những cách làm thiết thực để các em học sinh người DTTS dễ dàng tiếp thu kiến thức của chương trình mới.

Nằm ở xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Pah, năm học 2020-2021, Trường TH Đak Tơ Ver có 5 lớp 1. Trong đó có 2 lớp ở trường chính và 3 lớp ở điểm trường làng với đa số học sinh là người DTTS. Nếu như đầu năm học, các cô giáo rất vất vả để giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới đến với các em học sinh, bởi nhiều em lần đầu cầm bút viết chữ, khả năng giao tiếp tiếng Việt còn nhiều hạn chế thì sau gần 3 tháng kiên trì nỗ lực chỉ bảo của các cô giáo đến nay, nhiều em người DTTS ở trường chính và điểm trường làng đã dần đọc thông viết thạo tiếng Việt và bắt nhịp với môi trường giáo dục mới.

Cô  giáo Nguyễn Thị Mỹ Duyên – Trường TH Đak Tơ Ver, huyện Chư Pah cho biết: “Bình thường tiếng Việt 2 tiết nhưng giờ tăng lên 3 tiết, bình thường sẽ dạy 7 buổi/tuần thì tăng lên 9 buổi/tuần để các con theo kịp bài và nắm vững hơn các âm, vần; đồng thời tăng cường toán, đạo đức, âm nhạc, mỹ thuật./ Mới đầu vào năm nào cũng bỡ ngỡ  nhưng giờ thì các con đã vào nền nếp, các con nắm chắc và không quên bài, những bài mới tiếp thu nhanh hơn”.

Em  Đinh Quỳnh- Lớp 1A1, Trường TH Đak Tơ Ver, huyện Chư Pah cũng chia sẻ: “Đến lớp con được học chữ, gặp bạn bè và biết được nhiều thứ con rất vui”.

Xác định để đảm bảo cho việc giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới đạt yêu cầu đề ra, các trường tiểu học ở vùng khó của huyện Chư Pah đã phối hợp với chính quyền địa phương, già làng, trưởng thôn… vận động phụ huynh mua đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập cho con em mình. Dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều phụ huynh đã cố gắng hết sức để mua những sách vở, đồ dùng cần thiết nhất nhằm đảm bảo cho việc học tập của con em mình. Nhờ vậy việc giảng dạy bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” ở các trường diễn ra khá thuận lợi. Ngoài những giờ học chính khóa, các trường tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí thiết thực để giúp các em rèn luyện và nâng cao kỹ năng tiếng Việt, đồng thời có thêm hứng thú trong học tập.

Cô giáo Trần Thị Thắm – Trường TH Hà Tây, huyện Chư Pah cho biết: “Để đạt chất lượng phải đảm bảo công tác duy trì sỉ số học sinh, chuyên cần.  Ngoài những giờ chính khóa thì chúng tôi còn cho các em đọc những cuốn truyện để các em nhận biết các vần, âm để các em phát triển thêm ngôn ngữ tiếng Việt vì các em không nói được tiếng Việt nhiều. Chúng tôi cũng dặn các em trong khi đến trường thì không giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ trong trường học để các em làm quen và nói được tiếng Việt rõ ràng, tốt”.

Cô giáo Dương Thị Nga – Hiệu trưởng Trường TH Hà Tây, huyện Chư Pah cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo cho giáo viên trang trí lớp học và có những hoạt động trải nghiệm vui vẻ thu hút học sinh đến trường. Ở trường việc duy trì sỉ số rất tốt, giúp các em tiếp thu bài tốt hơn. Chương trình giáo dục phổ thông mới dạy học 2 buổi/ngày, chúng tôi dạy thêm 3 buổi chiều như chính khóa, các cô tăng cường tiếng Việt và Toán để các em tiếp thu bài tốt hơn”.

Với quan niệm vừa giúp các em dễ dàng tiếp thu kiến thức vừa có môi trường học tập thân thiện, vừa học vừa chơi, các trường tiểu học ở vùng khó ở huyện Chư Pah đã chú trọng việc trang trí những không gian lớp học, thư viện… thật sinh động để thu hút và tạo hứng thú cho các em trong quá trình học tập, vui chơi tại trường… Khi các em đến lớp chuyên cần, yêu thích việc học tập sẽ giúp các cô giáo chuyển tải chương trình học được thuận lợi hơn, qua đó đảm bảo việc giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới nơi vùng khó./.

Thiên Thanh, Lê Thư,  Huy Toàn


Lượt xem: 37

Trả lời